Phải chăng đề thi lớp 10 văn TP.HCM năm 2024 được 'tiết lộ' từ... năm trước?

08/06/2024 20:59 GMT+7

Mạng xã hội đang xôn xao thông tin ngữ liệu trong câu hỏi nghị luận văn học ở đề ngữ văn năm nay đã được Sở GD-ĐT TP.HCM 'bật mí' từ trước qua đề thi lớp 10 năm 2023 mà thí sinh không chú ý. 'Phát hiện' này khiến nhiều thí sinh thích thú.

Phải chăng đề thi lớp 10 văn TP.HCM năm 2024 được 'tiết lộ' từ... năm trước?- Ảnh 1.

Thí sinh TP.HCM trao đổi về đề thi ngữ văn tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), sáng 6.6

NHẬT THỊNH

Chi tiết từ... hình minh họa 2 quyển sách trên đề thi năm 2023 

Kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM tuy đã khép lại vào chiều qua, 7.6, nhưng những vấn đề xoay quanh kỳ thi vẫn đang được thảo luận sôi nổi cho đến hiện tại. Trong đó, một nội dung đang lan truyền trên mạng xã hội được nhiều thí sinh quan tâm là việc nội dung đề thi, cụ thể là câu hỏi nghị luận văn học môn ngữ văn đã được "âm thầm tiết lộ" từ tận... 1 năm trước thông qua đề thi môn này năm 2023.

Theo đó, vào đêm 6.6 (sau khi thi môn ngữ văn và ngoại ngữ), tài khoản V.M đăng tải trên một diễn đàn học sinh hình ảnh đề thi ngữ văn năm 2023 với dòng chú thích, "Hóa ra đề 2023 dự đoán cho đề 2024". Bức ảnh gây chú ý khi tác giả khoanh tròn một hình minh họa trong đề 2 của câu 3 (câu hỏi nghị luận văn học - PV). Đó là hình minh họa 2 quyển sách có tên ngoài bìa Nói với con (Y Phương) và Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) được đặt chồng lên nhau.

Phải chăng đề thi lớp 10 văn TP.HCM năm 2024 được 'tiết lộ' từ... năm trước?- Ảnh 2.

Đề thi ngữ văn năm 2023 (trái) và 2024 của TP.HCM có sự trùng hợp ngẫu nhiên có liên quan đến tác phẩm Chiếc lược ngà

CHỤP MÀN HÌNH - THÚY HẰNG

Trùng hợp thay, Chiếc lược ngà là tác phẩm mà câu hỏi nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phải bàn luận trong đề ngữ văn năm nay của TP.HCM, và Nói với con cũng là đoạn thơ được một số thí sinh sử dụng để đưa vào phần liên hệ vì liên quan mật thiết đến chủ đề tình cảm gia đình. Cụ thể, đề thi năm nay có nội dung như sau:

"Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài gia đình để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi người".


Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị công an điều tra thông tin lộ đề thi môn ngữ văn

Phát hiện trên nhanh chóng khiến các thí sinh thi lớp 10 năm nay bất ngờ, giúp bài viết thu về hàng ngàn lượt tương tác. Dưới bình luận, nhiều sĩ tử bày tỏ tiếc nuối: "Tính ra cũng đã 'cày' qua đề này rồi mà không hề để ý luôn...", "Giờ mới phát hiện là quá muộn màng". Trong khi đó, nhiều tài khoản khác lại vào lý giải, đây chính là 2 tác phẩm được "cài cắm" để hướng dẫn thí sinh năm 2023 làm đề câu 2 cũng về tình cảm gia đình.

Chỉ là "vô tình trùng hợp"

Lâm Vĩnh Khôn, học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), chia sẻ lúc ôn luyện không hề để ý đến chi tiết này, "vì em chủ yếu ôn kỹ nội dung các tác phẩm để làm đề 1". "Đây đúng là sự trùng hợp hy hữu, cả em lẫn bạn bè đều bất ngờ khi đọc được thông tin này. Biết vậy em đọc đề năm trước kỹ hơn là có khi đã chuẩn bị tốt hơn nữa", nam sinh cười nói, cho biết thêm em dự đoán mình sẽ đạt điểm môn văn trên 8.

Phải chăng đề thi lớp 10 văn TP.HCM năm 2024 được 'tiết lộ' từ... năm trước?- Ảnh 3.

Phụ huynh nắm tay con ra về sau khi kết thúc giờ làm bài môn thi ngữ văn ở điểm thi Trường THCS Lê Lợi (Q.3)

NGỌC LONG

Tương tự, Nguyễn Minh Phúc, học sinh Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), nhận xét việc đề thi lớp 10 môn văn năm 2023, 2024 có điểm giống nhau chỉ là "vô tình trùng hợp". "Trong các môn thi năm nay, em đặc biệt thích môn toán vì yêu cầu sự tư duy, dù đề khó và dài. Em tin điểm chuẩn năm nay sẽ không dao động hoặc chỉ cao hơn 1 chút so với năm ngoái về ngữ văn, tiếng Anh khá dễ", Phúc chia sẻ.

Năm nay, chủ đề của đề thi ngữ văn tại TP.HCM là "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình". Đáng chú ý, ngữ liệu trong phần đọc hiểu của đề được lấy từ các bài viết đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 4-13.5.2024. Các bài viết thể hiện tình cảm tốt đẹp của tuổi trẻ tới các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024.

Trào lưu đoán đề chỉ còn nở rộ với chương trình sách giáo khoa cũ

Đây cũng là một vấn đề trong việc dạy học và ra đề thi môn văn khi học sinh chỉ tập trung vào một số tác phẩm nhất định.

 Thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh, giáo viên ngữ văn tại Quy Nhơn, từng trả lời Thanh Niên hồi năm 2022 rằng trào lưu đoán đề chỉ còn nở rộ với những lứa học sinh còn học sách giáo khoa cũ với số lượng tác phẩm văn học nhất định. “Khi các em học chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ SGK khác nhau và thi các tác phẩm ngoài SGK, trào lưu này sẽ tự biến mất”, cô Oanh khẳng định. Khi không còn phải ôn luyện dựa trên ngữ liệu có sẵn trong sách, nữ giáo viên cho hay xu hướng học kỹ năng sẽ “lên ngôi”. “Ví dụ như kỹ năng làm phần đọc hiểu, kỹ năng làm nghị luận, kỹ năng phân tích các thể loại tác phẩm nhất định như thơ, truyện. Học sinh sẽ áp dụng những kỹ năng đó để có thể phân tích bất kỳ tác phẩm nào. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt bài thi trong chương trình mới, học sinh phải nắm rất vững từng thể loại để áp dụng kỹ năng phân tích phù hợp”, thạc sĩ Oanh cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.