Bàn chân chịu trách nhiệm nâng đỡ trọng lượng cơ thể, giúp giữ thăng bằng, di chuyển và có cấu trúc rất phức tạp. Bàn chân có 26 chiếc xương cùng nhiều khớp, cơ, dây chằng, dây thần kinh và một số thành phần khác, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Mọi người cần đi khám nếu phát hiện bàn chân có các dấu hiệu sau:
Bàn chân và ngón chân lạnh
Bàn chân và các ngón chân thường xuyên bị lạnh có thể là dấu hiệu của rối loạn mạch máu. Nguyên nhân là do tác động của tiểu đường loại 2, hút thuốc, rối loạn động mạch ngoại biên, vấn đề lưu thông máu. Các rối loạn mạch máu sẽ khiến lưu thông máu đến bàn chân bị giảm, dẫn đến thường xuyên bị lạnh.
Tê ngứa
Tê ngứa bàn chân là điều hết sức bình thường, đặc biệt là khi ngồi lâu. Tuy nhiên, nếu cảm giác này kéo dài quá vài phút mà không hết, xảy ra thường xuyên thì cần đi bác sĩ khám. Nguyên nhân có thể là do bệnh lý thần kinh ngoại biên, thiếu vitamin B12, hẹp đốt sống hay chèn ép dây thần kinh.
Sưng phù
Sưng phù ở bàn chân hay mắt cá chân là dấu hiệu của huyết áp cao. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể do suy tim sung huyết, suy thận hay suy gan.
Da sẫm màu
Da chân và bàn chân ngứa, có mảng đen, bong tróc có thể là do nấm chân. Nếu không kịp thời điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng và viêm da, hình thành các mụn nước đau đớn. Nhiễm nấm nếu không điều trị sẽ lan đến các vùng da khác trên cơ thể.
Loét bàn chân
Bất kỳ khi nào bàn chân bị loét, vết loét chậm lành hay thậm chí không lành thì rất có thể là dấu hiệu của tiểu đường loại 2. Ngoài ra, loét bàn chân cũng có thể do suy tĩnh mạch, bệnh lý thần kinh ngoại biên, ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc tế bào vảy.
Rỗ móng
Những lỗ nhỏ xuất hiện trên móng tay, móng chân có thể là dấu hiệu của bệnh vẩy nến hay viêm khớp vẩy nến. Khi thấy dấu hiệu này, người mắc cần phải đến bác sĩ khám để sớm được điều trị, theo Verywell Health.
Bình luận (0)