Câu chuyện làm sao để chia sẻ dữ liệu thông tin mà vẫn an toàn, không lộ lọt là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm nhất tại hội thảo thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, do Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức hôm nay (27.2).
Dự hội thảo có các bộ, cơ quan ngang bộ và 11 địa phương lân cận Hà Nội, tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về quản trị, chuẩn hóa, cung cấp dữ liệu mở phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ… nhằm thay đổi lề lối, phương thức giải quyết công việc dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu và dữ liệu mở.
Chia sẻ tại hội thảo, cố vấn Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho hay, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số già nên cần có những dịch vụ công phù hợp và chính phủ phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân. Tuy nhiên, nước này đã từng thất bại khi đưa ra dịch vụ mà người dân không sử dụng. “Việt Nam cần tránh những bài học thất bại của Nhật và làm thế nào để người dân tận dụng được các dịch vụ. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ dịch vụ số, kỹ thuật số cho người dân cũng như những người yếu thế trong xã hội”, vị này nói.
Một vấn đề lớn mà các đại biểu địa phương và khối doanh nghiệp đặt ra cho các chuyên gia của Nhật và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là xử lý được tình trạng cát cứ dữ liệu, tạo nên kho dữ liệu dùng chung của các bộ ngành để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công một cửa thuận tiện nhất.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, để giải quyết vấn đề này thì vai trò của CIO (giám đốc công nghệ) của Chính phủ và các địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử là rất quan trọng. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò CIO Chính phủ với vai trò thuyền trưởng có thể hỗ trợ, tư vấn cho các CIO của các bộ ngành và địa phương.
Giải đáp thắc mắc này, ông Mai Tiến Dũng thừa nhận đây là bài toán khó để thúc đẩy Chính phủ điện tử. “Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng và trình Chính phủ về nghị định chia sẻ dữ liệu. Trong đó quy định rõ loại dữ liệu nào phải chia sẻ, loại thông tin nào dùng chung và ai là người được khai thác. Làm sao phải rõ ràng, tránh tình trạng cát cứ dữ liệu của bộ, ngành”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử"
Ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết Nhật Bản đang chuẩn bị sản xuất các thiết bị cho hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ tại Nhật và có độ an toàn rất cao để hỗ trợ Việt Nam. “Nhật Bản nhận thấy việc xây dựng Chính phủ điện tử có tính quyết định đến sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử”, ông Kunio nói.
Bình luận (0)