Phải là không khoan nhượng

14/08/2018 04:47 GMT+7

Không thể khoan nhượng với bất cứ đề nghị nhấn chìm vật chất nào nữa xuống biển.

Chuyện Bộ Tài nguyên - Môi trường đồng ý chủ trương nhận chìm xuống biển 2,5 triệu m3 bùn cát trong quá trình thi công cảng than của dự án Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch lại một lần nữa làm trồi lên nỗi lo môi trường biển bị phá hoại.
Lo đến mức sợ. Đừng nghĩ đơn giản, theo kiểu chỉ là đem khối đất đá chỗ này đổ sang chỗ khác, có đến nỗi gì đâu mà quan trọng hóa vấn đề.
Chỉ với hiểu biết tối thiểu về môi trường và cân bằng sinh thái của môi trường thì cũng đủ để hiểu, chuyện dìm xuống biển những khối “vật chất” trên cạn, dù chưa hẳn là rác thải, chắc chắn sẽ gây ra biến đổi khó lường về môi trường biển. Chưa ai dám khẳng định, chuyện nhận chìm vật chất như thế sẽ không gây ra biến đổi nào của môi trường biển, của hệ sinh thái biển? Chỉ có thể thừa nhận tác động làm biến đổi môi trường biển ở khu vực bị chọn để nhận chìm vật chất, rồi nói cho qua rằng, biến đổi sẽ “không đáng kể”, “không nghiêm trọng”, biển có thể tự cân bằng.
Những người tìm cách trình và thông qua kế hoạch dìm vật chất xuống biển hay mượn chiêu thức “thử nghiệm”, “thí điểm” để lách qua khe cửa hẹp của sự giám sát từ người dân. Thêm nữa, kế hoạch nào nhận chìm vật chất xuống biển cũng đều có đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nhưng liệu những bản báo cáo ĐTM ấy có được công bố minh bạch ở giai đoạn thu thập thông tin và thực hiện báo cáo, để chuyên gia, để người dân đồng giám sát và phản biện những lý lẽ và dữ liệu đúng sai hay chưa?
Những phân tích như trên cuối cùng đều hướng đến câu hỏi lớn, rằng sẽ có sự cam kết bảo vệ môi trường không. Cam kết đã thực tâm chưa, đã đủ mạnh mẽ chưa, để có thể điều chỉnh hiệu quả những hoạt động có ảnh hưởng nguy hại đến môi trường? Kinh nghiệm quốc tế về quản lý môi trường cho thấy, nếu thiếu những cam kết thực tâm và mạnh mẽ từ chính quyền thì môi trường khó lòng mà an toàn trong bối cảnh áp lực phát triển kinh tế ngày càng nóng.
Trước tình cảnh môi trường biển ngày càng bị đe dọa bởi những kịch bản xả thải ra biển được ngụy trang dưới lốt “kế hoạch nhận chìm vật chất”, đã đến lúc Chính phủ cần tuyên bố “đóng cửa biển” với nhận chìm, xả thải… như từng tuyên bố dứt khoát “đóng cửa rừng” để làm cơ sở răn đe, xử lý.
Không thể khoan nhượng với bất cứ đề nghị nhấn chìm vật chất nào nữa xuống biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.