Phải làm gì khi bị kiến ba khoang tấn công vào đầu mùa mưa?

02/07/2020 04:06 GMT+7

Bệnh nhân bị phỏng, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM tăng đột biến vào đầu mùa mưa. Bác sĩ hướng dẫn cách xử trí khi bị kiến ba khoang tấn công.

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, từ đầu tháng 6.2020 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 80-100 trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Trong khi những tháng trước, hầu như không có ca bệnh nào.
Kiến ba khoang được ghi nhận thường xuất hiện vào mùa mưa, khi độ ẩm cao thuận lợi cho côn trùng phát triển.

Kiến ba khoang tấn công khu dân cư và cách phòng tránh - Video tư liệu

Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết: Các bệnh nhân đến khám trong tình trạng da sẩn đỏ, mảng hồng ban trên da, kéo dài thành vệt gây đau rát, phù nề, có mụn nước hoặc mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân.
“Kiến ba khoang đốt bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ. Thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu người bị đốt ngứa gãi vô tình quệt độc tố của kiến ba khoang từ vết cắn ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp”, bác sĩ Thảo lưu ý thêm.

Bác sĩ chỉ cách bắt kiến ba khoang an toàn bằng giấy

Vết thương do kiến ba khoang cắn có thể biến chứng khi lan rộng làm hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, gây nhiễm trùng; hoặc với những người cơ địa đặc biệt, nhạy cảm thì có thể kích ứng, dị ứng toàn thân.

Xứ trí khi bị kiến ba khoang đốt

Kiến ba khoang “nổi dậy” trong mùa mưa

Để xử trí khi bị kiến ba khoang đốt, bác sĩ Thảo hướng dẫn, người dân cần rửa sạch vết thương để giúp giảm khó chịu trên da. Chú ý không chà xát, để tránh tổn thương lan rộng thì không sờ lên vết thương, không nặn các mụn nước, mụn mủ do kiến ba khoang gây ra. Sau đó, có thể đến bác sĩ da liễu để được khám và điều trị.

Vết thương do kiến ba khoang gây ra

Ảnh: BVCC

Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị theo hướng zona (giời leo); không tự ý bôi các thuốc màu, lá cây hoặc sử dụng các biện pháp dân gian khác làm cho vết thương bị loét, lan rộng, thậm chí nhiễm trùng.
Khi thấy kiến ba khoang bám trên người hay quần áo, đồ đạc trong nhà thì không nên dùng tay đập, giết hoặc chà xát kiến mà chỉ nên thổi nhẹ.
Lỡ có tiếp xúc kiến ba khoang thì nên rửa sạch ngay chỗ tiếp xúc, tránh lấy tay chạm vào những vùng da khác có thể gây dị ứng.
Lưu ý, nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, quần áo, đồ đạc trong nhà, không nên dùng tay giết chết hoặc chà xát chúng, mà nên thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào cho kiến ba khoang bò lên và lấy nó ra khỏi người. Lập tức rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng dịu nhẹ.
Trong mùa mưa, bác sĩ Thảo khuyến cáo người dân ở những khu vực có sự xuất hiện của kiến ba khoang cần mặc quần áo dài tay, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng; giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ, phòng kiến ba khoang bay vào nhà bằng cách buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng...; ngủ trong màn/mùng.
Chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất thích bay đến nơi có đèn sáng, đặc biệt là ánh sáng đèn huỳnh quang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.