Phải 'lăn' vào việc từ ngày đầu năm mới

Chí Hiếu
Chí Hiếu
30/12/2020 08:17 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các 'tư lệnh ngành' đã 'phác thảo' những nhiệm vụ cụ thể cho năm tới để tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu '2021 phải hơn năm thành công nhất - năm 2020' mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm.

Trong ngày làm việc thứ 2 của hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm qua (29.12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các "tư lệnh ngành" đã “phác thảo” những nhiệm vụ cụ thể cho năm tới để tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu “2021 phải hơn năm thành công nhất - năm 2020” mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm. Trong đó, tinh thần được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là “phải lăn ngay vào việc”.
Phải “lăn” vào việc từ ngày đầu năm mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương

Ảnh: TTXVN

2021 - đồng loạt khởi công nhiều dự án lớn

Trước đó, các bộ trưởng, trưởng ngành trong những phát biểu của mình đều không quên điểm lại những kết quả tích cực của ngành mình năm qua, để lấy đà cho thực hiện nhiệm vụ năm 2021.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, năm 2020, Thủ tướng đã chủ trì rất nhiều cuộc họp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của xây dựng cơ bản. Kết quả là giải ngân xây dựng cơ bản tốt nhất nhiệm kỳ, nếu không muốn nói là tốt nhất trong 10 năm qua, đạt tỷ lệ 90%, khoảng 600.000 tỉ đồng. Riêng Bộ GTVT đã giải ngân 36.000/40.000 tỉ đồng và phấn đấu giải ngân 100%.
Đặc biệt, ngay đầu năm mới, Bộ sẽ đồng loạt khánh thành và khởi công hàng loạt “siêu dự án”. Theo đó, về dự án chuẩn bị hoàn thành trong thời gian tới, ông Thể điểm nhiều dự án lớn như tuyến đường Vàm Cống - Rạch Sỏi, hầm Hải Vân 2, các dự án đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cầu Cửa Hội… và nhất là phấn đấu hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông; vận hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận…
Không những vậy, ông Thể cho biết trên đà đó, ngay đầu năm 2021 ngành giao thông sẽ “mở hàng” bằng khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên của sân bay Long Thành. Cùng với đó là các dự án QL19 nối Kon Tum - Bình Định, dự án tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lai Châu - Lào Cai… “Tổng cộng, có 8 dự án chuẩn bị khởi công để công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 tốt hơn”, ông Thể nói.

Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thì phấn khởi khi năm 2020, ngành xây dựng tăng trưởng 6,6%, cao nhất trong các ngành kinh tế. Năm qua, tỷ lệ đô thị hóa vượt mục tiêu và nhất là “cả nhiệm kỳ hầu như không có bong bóng bất động sản”, dù “đã thu hút 17 tỉ USD vốn FDI, với nhiều khu đô thị, khách sạn, resort mang tầm quốc tế và hơn nhiều nước trong khu vực”. “Hiện ngành xây dựng hoàn toàn có đủ năng lực để tự thiết kế và thi công mọi công trình, mọi quy mô đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Hà tự tin.
Trong khi đó, với ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thành công đáng chú ý là việc Việt Nam đã “khéo léo và kịp thời khai thác tốt cả 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc giữa lúc chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc này tiếp tục leo thang.
“Nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn, nhưng xuất khẩu của ta sang cả 2 thị trường này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất cao: sang Mỹ đạt gần 76,5 tỉ USD, tăng 24,7%; vào Trung Quốc đạt gần 48,8 tỉ USD, tăng 17,7%”, Bộ trưởng Công thương dẫn chứng. Nhờ vậy, cùng với việc khai thác rất có hiệu quả thị trường EU ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực thực thi từ ngày 1.8, đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của VN cả năm 2020 đạt mức 281,47 tỉ USD, tăng 6,5%, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khu vực và thế giới.

Tăng trưởng nhưng phải gắn với chất lượng

Nhấn mạnh vai trò của đột phá về kết cấu hạ tầng, yếu tố tạo nên kiềng ba chân, Thủ tướng cho biết, ngay sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ phát lệnh khởi công một số công trình giao thông trọng điểm , liên vùng để tạo khí thế, sức bật cho năm mới 2021. Đó là ngay từ đầu năm nay, phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc.
Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, T.Ư và Quốc hội thống nhất mức tăng trưởng khoảng 6% GDP năm 2021. Thực tế trong thảo luận có ý kiến cho rằng nên đặt thấp hơn khoảng 5,5% nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên khoảng 6,5 - 7%. Do đó, trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.
“Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa VN trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả”, người đứng đầu Chính phủ đưa ra thông điệp.
Thủ tướng nhấn mạnh: Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Muốn vậy, cần chú trọng hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, bền vững, bao trùm ví dụ như tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để ngày càng nhiều người dân được thụ hưởng. Bên cạnh đó, cần chú trọng vấn đề phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ, hài hòa các mục tiêu của tam giác phát triển bền vững: kinh tế, xã hội, môi trường. “Không để tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng phải trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường để con cháu chúng ta sau này phải gánh chịu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ không quên lưu ý, để phát triển KT-XH ổn định, bền vững thì phải duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững, không được để lạm phát cao và các cân đối lớn của quốc gia phải được giữ gìn, vun đắp. “Phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển”, Thủ tướng nói.
Chiều 29.12, Thủ tướng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12.2020 với nội dung chính là bàn về công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật. Cụ thể, Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; báo cáo về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; về đề nghị xây dựng luật Dầu khí (sửa đổi); dự thảo quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025...
 Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó lưu ý làm rõ sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa 2 dự án luật. Với dự thảo quy định chuẩn nghèo, Thủ tướng đồng ý chủ trương về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.