Phải 'mổ xẻ' tự chủ bệnh viện công ở TP.HCM hậu Covid-19

12/10/2022 08:28 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi Thường trực UBND TP.HCM nêu 9 vấn đề khó khăn, kiến nghị giải pháp của ngành y tế thành phố thời điểm hiện tại.

Trong 9 vấn đề thì tự chủ tài chính (TCTC) đang là nan giải nhất của ngành y tế nói chung và bệnh viện (BV) nói riêng thời kỳ hậu Covid-19. Bởi TCTC liên quan đến sống còn của BV, không có tiền thì không có nguồn đầu tư, nhân viên y tế (NVYT) rời BV và thực tế đó đang diễn ra.

Tự chủ tài chính nhưng bệnh viện không được quyết giá thu

Tài chính bệnh viện ngày càng khó khăn

Theo Sở Y tế, tình hình TCTC của hầu hết đơn vị sự nghiệp y tế công lập gặp rất nhiều khó khăn khi giá viện phí chưa được tính đủ các yếu tố cấu thành, số lượt khám chữa bệnh (KCB) giảm sau đại dịch Covid-19 càng làm mất cân đối thu - chi của các BV, nhất là BV đa khoa (BVĐK).

Các bệnh viện đang gặp khó trong thu, chi

Duy Tính

Từ năm 2003, thực hiện chủ trương của Chính phủ và TP.HCM, các BV TP.HCM đã thực hiện tự chủ và dần chuyển sang đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Từ năm 2018 đến nay có 45/50 BV đã được giao TCTC chi hoạt động thường xuyên (trừ các BV đặc thù điều trị bệnh tâm thần, phong, HIV/AIDS; BVĐK Sài Gòn và BV Nhi đồng TP.HCM).

TP.HCM đã giảm cấp kinh phí thường xuyên cho ngành y tế (nếu như tỷ lệ ngân sách cấp cho y tế trên tổng chi thường xuyên của ngân sách TP.HCM trong năm 2015 là 9% thì từ năm 2020 cho đến nay giảm xuống chỉ còn 2%). Tuy nhiên, ngoài kết quả nổi bật là làm giảm chi ngân sách TP.HCM cho ngành y tế, hiện vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn cho hầu hết BV khi chuyển sang TCTC.

Cụ thể, theo Nghị định 43/2006 của Chính phủ quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (nay là Nghị định 60/2021), chỉ cần căn cứ vào tiêu chí nguồn thu sự nghiệp lớn hơn hoặc bằng chi phí hoạt động thường xuyên thì đơn vị đó được xếp vào nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên.

Thực tiễn cho thấy hiện có sự khác biệt lớn về chênh lệch thu - chi giữa các BV, dẫn đến sự khác biệt về thu nhập tăng thêm và về các quỹ trích lập theo quy định.

Bên cạnh đó, các BV phải tự chủ chi thường xuyên trong điều kiện giá thu KCB chưa được kết cấu đầy đủ yếu tố chi phí. Trong khi đó, nguồn thu từ KCB bảo hiểm y tế (BHYT) và KCB thông thường chiếm tỷ lệ 45 - 50% tổng nguồn thu; thu từ nhà thuốc chiếm 13 - 15%, tỷ lệ hai nguồn thu này càng lớn thì BV càng thiếu hụt kinh phí hoạt động. Chưa kể nguồn thu từ KCB BHYT thường bị chậm thanh toán hoặc không thanh toán do vượt tổng mức thanh toán, vượt dự toán hoặc bị xuất toán vì nhiều lý do.

Đối với các đơn vị khoản chênh lệch thu - chi không nhiều thì rất khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm cho NVYT, chưa kể phải trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị; đào tạo nguồn nhân lực...

Để đảm bảo cân đối thu - chi và có nguồn kinh phí để chi thu nhập tăng thêm cho NVYT, các BV phải tìm các giải pháp để tăng nguồn thu dịch vụ (khám, phẫu thuật theo yêu cầu, giường bệnh dịch vụ, liên doanh, liên kết...). Trong đó có một số giải pháp có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các cơ sở y tế.

Từ thực trạng trên, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập tổ tư vấn lập Đồ án TCTC cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập, bao gồm các thành viên có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực tài chính y tế thuộc các sở Tài chính, Y tế, Tư pháp, Nội vụ. Đồ án TCTC cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập được xây dựng trên các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với đặc thù của TP, đồng thời đề xuất cho phép triển khai thí điểm các giải pháp, trong đó có giải pháp điều tiết chênh lệch thu - chi giữa các BV nhằm tạo cơ sở để các BV tự chủ bền vững, đảm bảo thu nhập ổn định cho NVYT và phát triển BV.

Sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ

Ngày 7.10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các BV công lập TP.HCM giai đoạn từ 1.1.2020 - 30.6.2022 và góp ý dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi; dự thảo luật KCB sửa đổi. Tại cuộc khảo sát, hầu hết ĐBQH chia sẻ rất quan tâm và chia sẻ khó khăn với ngành y tế TP.HCM.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng khi đại dịch Covid-19 thì các BV TCTC thu nhập giảm nghiêm trọng. Ông dẫn giải, năm 2020 các BV thu 28.541 tỉ đồng nhưng 6 tháng 2022 chỉ là 12.000 tỉ đồng thì khó mà lo được đời sống NVYT. “Có bác sĩ nói với tôi, BV TCTC lo cho NVYT hết, nhưng NVYT của tôi Sở Y tế điều động đi chống dịch là phải đi và chúng tôi phải trả lương, thu nhập tăng thêm nên BV không đủ nguồn lực tài chính”, ĐB Ngân nói.

Còn ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, thì cho rằng có nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai cơ chế tự chủ. Đoàn ĐBQH TP ghi nhận các kiến nghị và báo cáo QH, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan T.Ư.

Theo bà Tuyết, cơ chế TCTC đã giúp các BV công làm được nhiều việc. Nhưng qua khảo sát cũng thấy Chính phủ, bộ ngành khi ban hành các văn bản thì chỉ tính trong điều kiện bình thường, không tính các điều kiện khác như dịch bệnh, sự cố bất ngờ, nên khi xảy ra dịch bệnh thì hầu hết đơn vị khó khăn, chỉ trừ một vài đơn vị duy trì được nguồn thu, cân đối thu - chi.

Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ có kiến nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết lại việc thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, trong đó có y tế.

ĐB Văn Thị Bạch TuyếtPhó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM

Bên cạnh đó, có những khó khăn khác mà tự chủ hiện nay quy định chưa điều chỉnh làm cho các BV khó khăn. Ví dụ như BV đầu tư cơ sở vật chất mới, hiện đại thì các chi phí vận hành gặp nhiều khó khăn. Sở Y tế biết, các sở ngành TP biết nhưng xử lý như thế nào để không vi phạm các quy định pháp luật thì cũng rất khó khăn.

Giải pháp nào?

ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất cần có cơ chế tài chính mà ngân sách nhà nước lo phần lương cơ bản cho NVYT, còn phần tăng thêm và theo các nghị quyết khác thì BV lo. Như thế trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn thì BV có nguồn ngân sách đảm bảo phần lương cơ sở…

Theo ông Ngân, sau Covid-19 cần mổ xẻ xem còn trở ngại nào về TCTC hay không để giải quyết, tiếp tục thực hiện TCTC. “TCTC giao đơn vị đảm bảo chi thường xuyên nhưng lại không được tự quyết định nguồn thu, đơn giá bị khống chế và đơn giá cũng không phù hợp. Phải mổ xẻ khung giá dịch vụ công để đảm bảo được cho các đơn vị tự chủ”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất và cho biết nếu cần ông sẽ tháp tùng cùng Sở Tài chính để làm việc với các bộ, ngành T.Ư. Theo ông, phải đeo bám tới cùng mới giải quyết được vấn đề.

“Đoàn ĐBQH TP sẽ có kiến nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết lại việc thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, trong đó có y tế. Đánh giá các tình huống đặc biệt có liên quan để làm sao giúp các đơn vị sự nghiệp khi áp dụng cơ chế tự chủ có được không gian hoạt động tốt nhất về TCTC, tự chủ con người và tự chủ hoạt động”, bà Văn Thị Bạch Tuyết nói.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng kiến nghị QH xem xét có thể có một luật chuyên về đơn vị sự nghiệp. Trong đó quy định đơn vị sự nghiệp hoạt động như thế nào, cơ chế ra sao. Qua khảo sát các BV cho thấy, không có luật riêng làm cơ sở ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động cơ chế tự chủ các BV mà lấy các luật khác liên quan để ban hành. Như vậy sẽ không chặt chẽ, không thể hiện hết quan điểm các chính sách, nguyên tắc để đơn vị sự nghiệp vận hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.