Sau khi Thanh Niên ngày 10.1 đăng bài Hiểm họa từ vỏ xe tân trang,
trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm VN, khẳng
định sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Trí cho biết, việc kiểm tra vỏ xe do cơ quan đăng kiểm thực hiện với cả 2 trường hợp: sản xuất, lắp ráp mới và đăng kiểm khi lưu hành. Cụ thể, khi xe vào đăng kiểm, đăng kiểm viên sẽ kiểm tra các chỉ tiêu về kích cỡ vỏ, độ mòn... xem có đúng các số liệu trong hồ sơ của xe không, nếu vỏ xe không đúng kích cỡ, mòn quá dấu chỉ báo, mòn không đều… thì không được phép thông qua.
Theo ông Trí, trước năm 2014, khi chưa thực hiện kiểm soát tải trọng, có thể có tình trạng xe nhỏ dùng vỏ to để chở hàng quá tải. “Khả năng đắp và đóng lại số vỏ để sử dụng cho xe ô tô là có, đặc biệt là các chủ xe, lái xe có ý định chở hàng quá khối lượng cho phép, họ dùng vỏ lớn để chở được hàng quá tải trọng”, ông Trí nói.
Ông Trí lưu ý, nếu vỏ cũ vẫn đảm bảo yêu cầu về kích thước, độ mòn… thì an toàn, nhưng nếu đắp tái chế không có kiểm soát chuyên môn, không đạt được các chỉ tiêu kiểm tra kỹ thuật (như độ rò rỉ khí, độ bền, độ mòn trong thời gian, độ chịu nhiệt…) thì không được phép sử dụng.
“Vỏ xe cũ đắp lại để sử dụng rất nguy hiểm. Những xe sử dụng loại vỏ này tiềm ẩn hư hỏng đột ngột, gây mất an toàn giao thông. Đây là việc làm vi phạm các quy định về sản xuất, sử dụng lốp”, ông Trí nói và khẳng định Cục Đăng kiểm VN sẽ yêu cầu các trung tâm đăng kiểm tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện.
“Nếu ép số lên vỏ xe sai so với sổ đăng kiểm mà đăng kiểm không phát hiện ra thì là lỗi của đăng kiểm”, ông Trí khẳng định.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, tình trạng cào gai, đắp vỏ xe đã xuất hiện từ rất lâu và đến nay vẫn tồn tại. Hành vi này là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chết người.
“Việc cào gai đắp vỏ rất nguy hiểm và phải thể hiện việc này bằng một văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT. Ban đầu, khi có văn bản này, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động các tiệm “chạm, khắc” vỏ xe trên địa bàn để họ hiểu được sự nguy hiểm của việc tân trang vỏ xe cũ. Sau đó, nếu vẫn tái diễn thì phải có hướng xử phạt, vì hành vi cào gai, đắp vỏ không phải là xì ke ma túy, chất nổ nhưng nó là hành vi dẫn đến chết người, dứt khoát là phải nghiêm cấm”, ông Sanh nói.
Bình luận (0)