Phải phạt thật nghiêm

24/09/2018 03:50 GMT+7

Trên đường cao tốc, làn ngoài cùng bên phải thường hẹp hơn các làn khác, được tách biệt bằng vạch liền.

Tác dụng của làn này là để dừng khẩn cấp, dành cho các xe gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông.
Bên cạnh đó, những xe ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp có thể chạy vào như cứu hỏa, cứu thương, công an.
Quy định và cách thức lái ô tô vào làn khẩn cấp trên cao tốc đã có, nhưng hằng giờ, hằng ngày vẫn xuất hiện ô tô ngang nhiên bẻ lái bất ngờ, chạy ào ào trong làn khẩn cấp, gây nguy hiểm cho các phương tiện còn lại đang lưu thông trên cao tốc.
Cũng theo ghi nhận của PV Thanh Niên trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thì thực trạng ô tô cá nhân lấn làn khẩn cấp ít hơn, mà đa số là ô tô của các hãng xe khách quen thuộc. Mục đích lấn làn nhằm vượt lên đi trước, chạy nhanh với tốc độ chóng mặt. Và việc kiểm soát, xử phạt tình trạng này là của lực lượng CSGT nhưng tại sao các hãng xe vẫn ngang nhiên “vượt rào” mãi như thế?
Nếu các hãng xe lý giải rằng họ giao xe cho tài xế chạy và có hợp đồng thỏa thuận rằng tài xế chịu trách nhiệm về an toàn và lỗi vi phạm trên đường. Như vậy, điểm h khoản 4 điều 5 Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu phạt tiền từ 800.000 - 1,2 triệu đồng khi điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp; ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Các tuyến đường cao tốc nếu có gắn camera giám sát thì việc phạt nguội phải được thực hiện. Nếu phạt theo đúng quy định thì thử hỏi có tài xế nào dám “hy sinh”, “liều mạng” chạy bạt mạng trong làn khẩn cấp liên tục, thường xuyên? Bởi đối với họ - những người tài xế, nghề lái xe đường dài, theo tuyến và giấy phép lái xe chính là cần câu cơm của mình. Còn nếu người điều khiển phương tiện bị camera ghi lại lỗi nhưng vẫn tiếp tục bẻ lái, lấn làn khẩn cấp thì điều đó dễ khiến người ta nghĩ đến có hiện tượng “bảo kê”, “mua đường” mà lâu nay người dân vẫn cứ rỉ tai nhau.
Cơ quan chức năng phải xử phạt nghiêm, nhất là với tài xế của các hãng xe khách thường xuyên vi phạm cần có biện pháp chế tài bổ sung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.