Cuối giờ chiều qua (14.3), Bộ GD-ĐT đã tổ chức gặp mặt một số báo để trao đổi thông tin đồng thời tìm cách gỡ rối cho tình trạng loạn thị trường sách tham khảo (STK) dẫn đến chất lượng in ấn và nội dung rất đáng lo ngại như lâu nay.
Sẽ công bố những STK đạt chất lượng ?
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT nhắc lại nội dung văn bản hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy học tập trong trường phổ thông ban hành từ năm 2008 mà đến nay vẫn còn giá trị. Theo đó, với các loại STK được sử dụng trong nhà trường, hiệu trưởng các trường phổ thông có trách nhiệm giao cho các tổ chuyên môn xem xét nội dung các STK đang lưu hành trong trường. Nếu phát hiện STK chưa chính xác hoặc không phù hợp với tính chất giáo dục phổ thông thì cần lưu ý học sinh trong việc sử dụng; nếu phát hiện có sai sót lớn ảnh hưởng đến dạy và học cần kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục. Công văn này cũng nêu rõ các cơ quan quản lý giáo dục và trường phổ thông không bắt buộc học sinh mua STK.
|
Thời gian tới Bộ GD-ĐT mong muốn bổ sung thêm chế tài cũng như quy định rõ ràng hơn việc sử dụng STK trong nhà trường, tăng cường khâu quản lý, giám sát để không có tình trạng bắt học sinh mua STK; giáo viên, hiệu trưởng không giới thiệu, không “bán hộ” STK cho học sinh của mình. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức diễn đàn lấy ý kiến góp ý, trao đổi xung quanh vấn đề này.
|
Để ngăn chặn STK có sạn, ông Định đưa ra đề xuất: “Mỗi môn học sẽ có một số tài liệu STK nhất định và Bộ sẽ cho in danh mục STK đạt chất lượng lên trên bìa sách giáo khoa để giáo viên, học sinh, phụ huynh có định hướng lựa chọn. Những sách được giới thiệu ở bìa sách giáo khoa như vậy sẽ được thẩm định, chứ không phải xuất bản tràn lan mà không hề được thẩm định dẫn tới có “sạn” như hiện nay”. Nhưng ông Định cũng hình dung tính phức tạp của việc làm này khi cho rằng: “Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến nếu Bộ GD-ĐT đứng ra giới thiệu STK vào nhà trường. Tuy nhiên, cách khách quan nhất là giới thiệu những sách Bộ đã thẩm định, dù của nhà xuất bản nào”.
Chia sẻ vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, nêu ý kiến: “Trước đây Bộ từng có danh mục STK đưa vào thư viện nhà trường nhưng mấy năm vừa rồi Bộ không quy định danh mục này nữa. Những người được đưa STK vào nhà trường thì hỉ hả, không được đưa vào lại thắc mắc, cho rằng tạo điều kiện cho tiêu cực. Đây là lúc bàn lại xem phương án đó liệu còn dùng được không”. Ông Chuẩn đề nghị: “Hiện tại, mỗi môn học được đưa vào nhà trường đều có hội đồng bộ môn. Việc thẩm định STK hoàn toàn có thể dựa vào các thành viên của hội đồng bộ môn này. Tất nhiên, phải có quy trình chặt chẽ, khách quan nếu không thì sẽ có tiêu cực”.
Chỉ nhà xuất bản đủ điều kiện mới được xuất bản STK
Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT, cho rằng không thể bỏ mặc người dân nhưng chắc chắn một mình Bộ GD-ĐT không thể làm nổi. Ông Hinh cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với thị trường STK, cụ thể là Cục Xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông phải có chế tài đủ mạnh với những loại sách không đảm bảo chất lượng.
Rào cản lớn nhất về chức năng hiện nay là Bộ GD-ĐT không được phép quản lý STK vì những loại sách này được phát hành tuân theo luật Xuất bản.
Ông Định cho rằng cần xây dựng thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin - Truyền thông về việc xuất bản STK cho các bậc học từ mầm non đến phổ thông. Tiến tới chỉ một số nhà xuất bản nào đó mới đủ điều kiện xuất bản STK, tất nhiên phải phù hợp với luật Xuất bản.
Được biết, hiện nay việc thẩm định sách giáo khoa qua 2 vòng khá chặt chẽ. Quy trình này tốn kinh phí rất lớn và hiện nhà nước phải chi tiền để thực hiện. Trong khi đó, nếu quy định STK đã thẩm định và công nhận mới được phép lưu hành thì các nhà xuất bản phải bỏ tiền ra để làm công việc thẩm định. Thế nhưng, đáng tiếc là luật Xuất bản hiện lại không có quy định này nên mong muốn STK phải được thẩm định trước khi xuất bản không phải là chuyện đơn giản.
Tuệ Nguyễn
>> Tràn lan sách tham khảo
>> Tràn lan sách tham khảo văn mẫu
>> Phát hiện sách dành cho trẻ em in “đường lưỡi bò”
>> Phát hiện vụ làm sách giả quy mô lớn
>> Cẩn trọng khi mua bản quyền sách thiếu nhi
>> Trả lại sách cho thư viện sau 50 năm
>> Liên tục tái bản sách lịch sử cho thiếu nhi
>> Xin lỗi vì sách “có in hình cờ Trung Quốc”
>> Thu hồi sách "có in hình cờ Trung Quốc
Bình luận (0)