Phải thu hồi tài sản tẩu tán ra nước ngoài

17/07/2015 04:48 GMT+7

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh như trên khi trao đổi với báo giới bên lề hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Nội chính T.Ư diễn ra sáng 16.7.

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh như trên khi trao đổi với báo giới bên lề hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Nội chính T.Ư diễn ra sáng 16.7.

Không phải chỉ trong các vụ trọng án về tham nhũng mà trong thanh tra kinh tế - xã hội, công tác kiểm tra của Đảng... cũng phải chú ý câu chuyện thu hồi tài sản tham nhũng
Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn
“Phát súng đột phá cho việc thu hồi tài sản tham nhũng”
Vụ Giang Kim Đạt vừa qua cho thấy một thực tế khá phổ biến là tiền tham nhũng thường được chuyển ra nước ngoài để tẩu tán. Ban Nội chính T.Ư sẽ kiểm soát vấn đề này bằng cách nào?
Ban Nội chính T.Ư đánh giá rất cao cơ quan an ninh điều tra thời gian qua đã tập trung xử lý vụ Vinashin, trong đó có nhiều vụ án cụ thể như vụ Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines, đã ôm tài sản bỏ trốn sang Singapore và một số nước khác - PV) tham ô 18,6 triệu USD. Tôi cho rằng đó là sự cố gắng rất cao của cơ quan điều tra và hy vọng đây là tiền đề, là phát súng đột phá cho việc thu hồi tài sản tham nhũng. Không phải chỉ trong các vụ trọng án về tham nhũng mà trong thanh tra kinh tế - xã hội, công tác kiểm tra của Đảng... cũng phải chú ý câu chuyện thu hồi tài sản tham nhũng.
Hành vi tham nhũng không dễ chứng minh vì là hành vi ẩn nhưng thiệt hại hoặc các dấu hiệu chiếm đoạt có thể chứng minh được và phải thu hồi tài sản về. Vụ Giang Kim Đạt tôi tin là được dư luận đồng tình ủng hộ. Nếu chúng ta không kiên trì, kiên quyết làm thì xã hội không ai biết, không ai ngờ được một cán bộ rất ít tuổi, chỉ là cấp trưởng phòng, “sống chìm” như thế mà có thể dễ dàng tham ô một khối lượng tài sản quá lớn. Đây là việc không thể chấp nhận được. Có thể hơi chủ quan nhưng tôi cho rằng vụ việc này không phải là duy nhất.
Vụ Giang Kim Đạt cũng đặt ra bài toán, với tài sản tham nhũng ở trong nước một khi đã tẩu tán được ra nước ngoài thì việc thu hồi sẽ rất khó khăn?
Cái vướng mắc lâu nay của chúng ta là giữa VN và các nước liên quan có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hay không. Trong đó có nội dung kê biên tài sản, tài khoản... Mỗi nước có pháp luật riêng nhưng rất may là hiện nay số quốc gia tham gia Công ước về Chống tham nhũng của LHQ tương đối nhiều, trong đó có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng. Việc kê biên tài sản của Giang Kim Đạt hoặc phong tỏa tài khoản ở nước ngoài, đặc biệt như trường hợp báo chí nêu ở Singapore, tôi nghĩ rằng không khó. Chúng ta có thuận lợi là được sự vào cuộc của Interpol, sự đồng tình giúp đỡ của Singapore. Tôi cho rằng phải kiên quyết thu hồi.
Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Phạm Anh TuấnPhó trưởng ban Nội chính T.Ư Phạm Anh Tuấn
       
Vụ Giang Kim Đạt là cán bộ nhỏ mà tham ô lớn như thế thể hiện rõ cơ chế kiểm soát của chúng ta không đủ chặt chẽ. Phải bịt kẽ hở này thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ở đây tôi cho rằng cần nhìn 2 góc độ. Thứ nhất chúng ta cần xem lại cơ chế quản lý kinh tế - xã hội hay cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh, quản lý doanh nghiệp như thế nào, để một cán bộ không phải cao mà tham nhũng tài sản lớn như thế. Hai là cơ chế kiểm soát thu nhập hay công khai minh bạch tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn cũng đang có những bất cập. Quy định đã đi vào cuộc sống nhưng chưa phát huy được. Nhưng tôi cho rằng, đó mới chỉ là một phần thôi, cái chính là đừng để việc đó xảy ra nữa, bằng cơ chế kiểm soát doanh nghiệp như thế nào, chứ để một trưởng phòng kinh doanh không lớn mà cuối cùng tham ô hơn 18 triệu USD là khoản tiền rất lớn, có thể xóa đói giảm nghèo, làm bao nhiêu việc có ích cho xã hội.
Thời gian qua, báo chí Trung Quốc nhiều lần đưa tin về “làn sóng” quan chức Trung Quốc tìm cách tẩu tán tài sản tham nhũng và trốn ra nước ngoài. VN có nhìn đó như một bài học để phòng ngừa?
Rất may và cũng rất mừng là hiện tượng quan chức VN tham nhũng rồi bỏ chạy ra nước ngoài như kiểu Trung Quốc để trốn tránh hoặc tẩu tán tài sản thì hầu như chưa có hoặc có rất ít. Chuyện đó chưa phổ biến, chưa nhiều. Vấn đề này các cơ quan chức năng cũng đã tính đến.
Đơn thư nặc danh nhưng có cơ sở cũng được xem xét
Tại thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự, đặc biệt về tài sản và các mối quan hệ cá nhân ra sao? Ban Nội chính T.Ư có kế hoạch tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết thế nào để góp phần đảm bảo công tác nhân sự cho Đại hội Đảng?
Đây là một hiện tượng vẫn thường xảy ra trong phản ánh, tố cáo tiêu cực, tham nhũng trước bất cứ sự kiện chính trị nào. Cần xác định đây là việc hoàn toàn bình thường. Ban Nội chính T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, đặc biệt là Ban Tổ chức T.Ư và các cơ quan chức năng của Chính phủ, các cơ quan chức năng của các ban Đảng, đương nhiên có trách nhiệm lắng nghe, tiếp nhận những thông tin đó, nhằm giúp cho việc bổ sung nhân sự cấp ủy của nhiệm kỳ mới, không để những người tham nhũng, tiêu cực lọt tham gia vào cấp ủy mới.
Đối với Ban Nội chính T.Ư, những dịp này cũng nhận được một số đơn tố cáo, phản ánh, thậm chí là điện thoại. Ngay trong điện thoại của tôi cũng có nhiều tin nhắn. Có những người mình chưa hề biết tên, biết mặt, nhưng gọi liên tục để thông tin. Về nguyên tắc là tiếp nhận, nhưng không phải mọi thông tin đều xác định sự việc là như thế, mà căn cứ vào nội dung thông tin, thủ tục xác minh làm rõ, Ban Nội chính T.Ư sẽ đề nghị hoặc chuyển các cơ quan chức năng, để kiểm tra, xác minh và thông tin lại kết quả. Tới đây, các ban đảng, trong đó có Ban Nội chính T.Ư sẽ được mời, cùng với Bộ Chính trị, xem xét các văn kiện cũng như công tác nhân sự chuẩn bị cho ĐH Đảng bộ cấp tỉnh, thành trực thuộc T.Ư. Những thông tin như thế, nếu có căn cứ thì sẽ được nêu ra khi Bộ Chính trị xem xét các phương án nhân sự.
Những thông tin nặc danh có được xem xét?
Về nguyên tắc luật pháp các thông tin, đơn thư nặc danh thì không xem xét. Theo quan điểm của tôi đó là quy định công khai để tránh trường hợp vô tình kích thích, tạo điều kiện cho hiện tượng nặc danh. Nếu không khéo sẽ gây rối loạn và có khi cũng oan cho những người bị tố cáo vì động cơ cá nhân và người nặc danh không phải chịu trách nhiệm gì hết. Mặt khác, chúng ta cũng phải rất bình tĩnh, tỉnh táo rằng cũng có những đơn thư nặc danh là thông tin thực sự, có tác dụng và không phải với động cơ cá nhân. Lúc đó phải bằng sự nhạy cảm để lọc ra, xác định đâu là nặc danh có cơ sở, đâu là nặc danh không có cơ sở hoặc vì động cơ cá nhân, để tiến hành xử lý.
Đẩy nhanh tiến độ xử lý án tham nhũng
Báo cáo tại Hội nghị hôm qua, Ban Nội chính T.Ư cho biết trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tiếp tục theo dõi, nắm tình hình để tham mưu về đường lối xử lý một số vụ án, vụ việc có dấu hiệu oan sai và vụ án, vụ việc thuộc lĩnh vực nội chính; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, khởi tố; đôn đốc xử lý những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo đôn đốc của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, của Ban nội chính T.Ư và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư; tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.