Phải thực giảm lãi suất cho vay mới cứu được doanh nghiệp

25/07/2012 16:20 GMT+7

(TNO) Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp như hiện nay, Bộ Công thương cho biết đang soạn thảo và lấy ý kiến góp ý “Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp” và sẽ sớm trình đề án này lên Chính phủ.

(TNO) Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp như hiện nay, Bộ Công thương cho biết đang soạn thảo và lấy ý kiến góp ý “Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp” và sẽ sớm trình đề án này lên Chính phủ.

Giảm lãi suất nửa vời

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý cho đề án tổ chức tại TP.HCM vào sáng 25.7, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đều cho rằng để đề án thành công, từ đó doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn như hiện nay thì cần phải giảm ngay lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bà Quách Tố Dung - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết dù Nhà nước đã có chủ trương giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế không diễn ra đúng như mong muốn của doanh nghiệp. Một số ngân hàng công bố giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó vay, có doanh nghiệp chỉ vay được trong thời hạn 1 - 3 tháng.


Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ sớm được triển khai - Ảnh: Trung Hiếu

Tại TP.HCM, bà Dung cho biết có khoảng 4.200 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi với tổng số tiền cho vay khoảng 21.000 tỉ đồng từ phía ngân hàng.

Tuy nhiên, qua theo dõi có thể nhận thấy sự hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ.

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ, đưa ra bức tranh khá bi đát của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, do thiếu vốn nên có 1/3 doanh nghiệp ở Cần Thơ đang trong tình trạng phá sản, ngưng hoạt động; 1/3 doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động.

 

Tôi có cảm giác như doanh nghiệp đang mất đi sự tin tưởng vào môi trường kinh doanh. Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ co cụm phòng thủ chứ không quyết liệt, ham muốn như trước đây. Chính phủ nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để doanh nghiệp có niềm tin là trong khó khăn, nhà nước vẫn đồng hành và san sẻ khó khăn

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen

Thậm chí nguy cơ vỡ nợ dây chuyên là điều có thể xảy ra do hiện có nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ mất cân đối về tài chính. Trong đó nguy nan nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản, cá tra.

Theo ông Toại, dù đã có chủ trương của Chính phủ nhưng ở Cần Thơ có quá ít ngân hàng giảm lãi suất với lý do chưa có sự chỉ đạo của hội sở.

“Đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo rất hay về việc giảm lãi suất nhưng để chỉ đạo giảm được hay không lại là một chuyện khác. Nhiều ngân hàng khi chúng tôi hỏi đều trả lời việc giảm lãi suất phải xem xét cân đối nguồn vốn, tình hình kinh doanh chứ không phải cứ muốn là giảm”, ông Toại nói.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cho biết các doanh nghiệp đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Điều đáng nói sự suy giảm này vẫn chưa có dấu hiệu chặn đứng được.

Theo ông Vũ, Chính phủ cần phải can thiệp hơn nữa vì hiện tại lãi suất có động thái giảm nhưng chưa đáp ứng kịp khó khăn của doanh nghiệp.

“Lãi suất cần nhanh chóng giảm thêm 5 - 7% nữa chứ không chỉ dừng lại ở mức 15%/năm như hiện nay. Còn nếu chậm giảm lãi suất thì doanh nghiệp sẽ chết, từ đó ngân hàng cũng chết theo”, ông Vũ kiến nghị.

Hỗ trợ thay đổi công nghệ sản xuất

Bà Quách Tố Dung cho biết, trong đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần phải chú ý xúc tiến những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Myanmar.

Mới đây, các doanh nghiệp ở TP.HCM tham gia hội chợ xúc tiến thương mại vào Myanmar, dự kiến lượng hàng đem đi bán trong vòng 6 ngày nhưng chỉ 2 ngày hàng đã bán hết sạch. Thậm chí doanh nghiệp Việt Nam phải vận chuyển hàng bằng máy bay nhưng hàng bán không kịp so với nhu cầu.


Kinh tế thế giới khó khăn cũng là cơ hội để doanh nghiệp mua thiết bị máy móc với giá rẻ - Ảnh: Trung Hiếu

Ông Nguyễn Minh Toại cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chiến lược xuất khẩu, thương hiệu cho gạo, thủy sản… Doanh nghiệp nào không đáp ứng đủ chiến lược này sẽ bị cấm xuất khẩu.

“Điều này để tránh việc lặp lại nghịch lý như cá tra là mặt hàng xuất khẩu độc quyền của Việt Nam nhưng do tranh giành thị trường, cạnh tranh không lành mạnh khiến doanh nghiệp của ta luôn bị đối tác nhập khẩu ép giá”, ông Toại nói.

Ý kiến này được ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bổ sung: Cần áp dụng điều kiện đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Theo đó, chỉ có doanh nghiệp nào có nhà máy chế biến và có code của châu u mới được xuất sang thị trường này.

Góp ý cho đề án, đại diện một số hiệp hội cho rằng nhân cơ hội nền kinh tế thế giới khủng hoảng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ để doanh nghiệp thay đổi công nghệ, dây chuyền bằng việc mua máy móc, thiết bị sản xuất giá rẻ.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết một số doanh nghiệp gỗ ở Ý do khó khăn, có nguy cơ đóng cửa đang đánh tiếng bán lại dây chuyền sản xuất hiện đại với giá chỉ bằng 1/10 so với giá mua.

Ngoài ra, ông Thắng còn kiến nghị Bộ Công thương giúp doanh nghiệp “cắm chốt” ở thị trường Mỹ bằng việc hỗ trợ gian hàng trưng bày cũng như kinh phí tham gia hội chợ. Theo ông Thắng, từ trước đến nay, Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất đồ gỗ của doanh nghiệp Việt Nam.

Giữ vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam - Ấn Độ, ông Lê Phước Vũ cho biết vừa qua Ấn Độ cho Việt Nam vay 200 triệu USD theo nguồn vốn ODA. Tuy nhiên đến nay số tiền này vẫn chưa được giải ngân cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công thương cần có kiến nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tiếp cận nguồn vốn này.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhìn nhận, để đề án thành công cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành chứ một mình Bộ Công thương không thể làm gì được.

Những kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được ghi nhận, đưa vào đề án trình Chính phủ để sớm triển khai nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.

Trung Hiếu

>> Doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu ngân hàng tăng
>> Hỗ trợ thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp khó khăn
>> Huy động vốn thời lãi suất cao
>> Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa? - Kỳ 2: Xử lý các ngân hàng không chịu chia sẻ
>> Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?
>> Khách hàng cá nhân chờ giảm lãi suất
>> Hạ lãi suất nợ cũ
>> Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận, hạ lãi suất
>> Hạ lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm
>> Yêu cầu các NH giảm lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.