Tình hình khiếu nại, tố cáo tương đối ổn định
Sáng 18.8, tiếp tục phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến QH. Đây là nội dung mới được đưa vào phiên họp UBTVQH khóa XV và dự kiến sẽ trở thành nội dung tại các phiên họp hằng tháng của UBTVQH.
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết từ đầu năm đến nay, “tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước tương đối ổn định và có giảm so với cùng kỳ năm trước”. Ông Bình dẫn chứng theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận 161.215 đơn của công dân, trong đó có 20.451 đơn khiếu nại (giảm 25,9%), 8.592 đơn tố cáo (giảm 38,1%).
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện, vẫn còn một số đoàn đông người và công dân của một số địa phương tập trung tại khu vực trung tâm TP.Hà Nội, nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước… căng băng rôn, khẩu hiệu. Ông Bình cũng cho biết Bộ Công an đã có báo cáo 501 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở một số địa phương do công an các tỉnh thống kê để xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân là vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay, nhất là các vấn đề khiếu kiện liên quan tới đất đai, tài nguyên. Ông cho hay trong 500 vụ Bộ Công an báo cáo, có tới 73 - 75% liên quan đất đai hoặc tài nguyên khoáng sản. “Các đồng chí báo cáo khiếu nại, tố cáo giảm chủ yếu là do dịch bệnh, các địa phương tránh tập trung đông người, chứ chắc gì do ở dưới làm tốt và do chúng ta giải quyết tốt. Giãn cách xã hội nên thế thôi chứ tình hình vẫn phức tạp lắm”, Chủ tịch QH lưu ý.
Chính phủ giải quyết nhưng Quốc hội phải giám sát
Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định lưu ý QH không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là của Chính phủ. “QH chỉ chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi đơn, tổng hợp lại để có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chính phủ”, ông nêu. Bên cạnh đó, ông Định đề nghị báo cáo của Ban Dân nguyện có thể gửi hằng tháng, song, việc UBTVQH thảo luận thì nên 2 - 3 tháng tổ chức một lần.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ không đồng tình ý kiến này. “Mấy trăm vụ việc kéo dài, ai giải quyết, giám sát việc này thế nào? Đơn thư chuyển về mà QH chỉ chuyển đơn đi thì có ý nghĩa gì không?”, Chủ tịch QH nêu và cho biết kể từ khi ông về QH tháng 4.2021, chưa thấy các cơ quan của QH giải quyết được vụ việc gì, chưa thấy đặt ra, xem xét giải quyết bất cứ một đơn thư khiếu nại, tố cáo nào của công dân.
Nhấn mạnh QH, UBTVQH phải có trách nhiệm trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị phải bàn để làm sao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển biến lên. “Các đồng chí vẫn còn kiểu quyền anh, quyền tôi. Hằng tháng, UBTVQH phải họp giải quyết cái này, không thì sinh ra cơ quan dân cử làm cái gì?”, Chủ tịch QH nói và nhấn mạnh Chính phủ giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng QH, cơ quan QH phải giám sát việc đó.
Bế mạc phiên họp thứ 2 của UBTVQHChiều 18.8, sau 2 ngày làm việc, UBTVQH hoàn thành chương trình phiên họp thứ 2. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết các nội dung của phiên họp đều được xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo trên nhiều mặt, nhiều ý kiến sâu sắc chất lượng, tâm huyết. Cụ thể, UBTVQH đã cho ý kiến dự án luật Thi đua khen thưởng sửa đổi; báo cáo thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết định thành lập các đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH; tổng kết kỳ họp thứ nhất và chuẩn bị kỳ họp thứ 2...
Chủ tịch QH cho biết UBTVQH thống nhất sẽ đưa báo cáo quản lý và sử dụng Quỹ BHXH và báo cáo về quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 ra thảo luận tại kỳ họp thứ 2. Đồng thời, đưa việc xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vào các phiên họp thường kỳ hằng tháng của UBTVQH. Ông cũng đề xuất ngoài các phiên họp thường kỳ, QH có thể họp các phiên không thường kỳ, họp chuyên đề và đề nghị Tổng thư ký, Văn phòng QH nghiên cứu thực hiện.
|
Chủ tịch QH cũng dẫn chứng các vụ việc nổi cộm, phức tạp khi ông còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội như xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực hay bãi rác Nam Sơn (H.Sóc Sơn) thì không thấy QH, UBTVQH “vào cuộc cùng chúng tôi”. “Chúng tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt xử lý vụ việc ở Sóc Sơn cũng không thấy vai trò của QH, TVQH. Đó có phải là vụ việc nổi cộm phức tạp không? Chúng ta cứ hay nói lý thuyết nhiều”, Chủ tịch QH dẫn chứng và đề nghị hằng tháng, Ban Dân nguyện cần có báo cáo UBTVQH về công tác này. “Mỗi tháng đặt ra 7 - 8 vụ việc, vấn đề bức xúc, nổi cộm, làm đến nơi đến chốn, quy rõ trách nhiệm tổ chức, tập thể, cá nhân đi, xem có chuyển động không? Phải truy đến cùng trách nhiệm thì công tác này mới chuyển biến; nhân dân, cử tri mới đặt niềm tin vào QH và cơ quan dân cử”, Chủ tịch QH nói.
Bình luận (0)