Phải ưu tiên phát triển khu vực tạo việc làm và thu nhập cao

18/12/2015 08:00 GMT+7

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu không thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nhanh chóng hơn, khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ ngày càng trở nên kém hiệu quả, ì ạch, cản trở quá trình phát triển kinh tế.


Ngày 17.12, tại hội thảo “Nhìn lại chương trình tái cơ cấu nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức, các chuyên gia kinh tế cảnh báo: Nếu không thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nhanh chóng hơn, khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ ngày càng trở nên kém hiệu quả, ì ạch, cản trở quá trình phát triển kinh tế.
Nhiều cơ hội bị đè nén
Đánh giá ý kiến của ông Ray Mallon là xác đáng, nhưng ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng VN hiện nay chưa làm được là việc điều tiết sử dụng nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư. “Thực ra, VN không phải quốc gia thiếu tiền mà là phân bổ tiền không hiệu quả, vì còn sử dụng công cụ hành chính để phân bổ. Với thể chế kinh tế hiện nay, DN không làm lớn được, vì luật pháp không đảm bảo bảo vệ tài sản cho họ. Nhiều cơ hội đầu tư, sáng tạo, sáng kiến của ta đang bị đè nén và kìm hãm. Lao động dồi dào với năng suất lao động thấp. Đó là vấn đề mà những hoạt động TCCKT chưa giải quyết được”, ông Cung nói. 
Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng việc tái cơ cấu nền kinh tế (TCCKT) vừa qua cũng đem lại một số kết quả như mức độ đội vốn nhiều dự án đầu tư đã ít hơn, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa tăng nhanh... “Tuy nhiên, cũng chưa có chuyển biến mạnh về chất; hiệu quả từng dự án, xuất sinh lợi của từng dự án không cải thiện nhiều. Ở những DNNN chi phối kiểm soát thì cơ chế quản lý nội bộ, gánh nặng nợ của từng DN ở cấp vi mô thay đổi không đáng kể... Tỷ lệ nợ xấu khối ngân hàng cơ bản vẫn như vậy”, ông Thành nói.
Theo bà Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM, tái đầu tư công thời gian qua mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư; tốc độ cổ phần hóa còn chậm, những ưu đãi cho DNNN vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường; quá trình xử lý nợ xấu kéo dài và cơ chế xử lý nợ xấu thiếu minh bạch.
Theo chuyên gia kinh tế này, thực tế trên đặt ra cho TCCKT thời gian tới là “hệ thống DN nào tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân lớn hơn thì khu vực ấy cần phải ưu tiên phát triển. DNNN chỉ chiếm 30% GDP, nếu vẫn được duy trì các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thì đây là điều bất hợp lý”, bà Tú Anh nêu ý kiến.
Nhìn lại quá trình TCCKT của VN vừa qua, ông Ray Mallon, cố vấn cấp cao dự án hỗ trợ TCCKT VN, cho rằng quá trình này mấy năm qua diễn ra còn chậm. “Thực sự, VN chưa chú ý xây dựng đầy đủ thể chế kinh tế thị trường nên vấn đề là phải thúc đẩy nhanh hơn cải cách thể chế kinh tế”, ông Ray Mallon khuyến cáo. “Cần duy trì và có sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao, không dàn trải mọi lĩnh vực, phải có trọng tâm, huy động sự ủng hộ cao nhất trong các lĩnh vực để đạt được kết quả cao nhất. Lĩnh vực nào quan trọng cần phải ưu tiên cao độ”, ông Ray Mallon đưa ra lời khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.