'Phải xác định Long Thành cũng là sân bay thứ 2 của TP.HCM'

12/06/2024 16:09 GMT+7

Về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia cho rằng, phải xác định sân bay Long Thành cũng là sân bay thứ 2 của TP.HCM, từ đó tập trung làm rõ hơn tác động của sân bay tới phát triển TP.HCM.

Cần có những đột phá thực sự để quy hoạch có tính khả thi

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ KH-ĐT tổ chức hôm nay 12.6, tại Hà Nội, chuyên gia phản biện quy hoạch Cao Viết Sinh đề nghị xem xét kỹ nội dung tăng trưởng kinh tế của thành phố có xu hướng giảm dần.

Đây là dấu hiệu đáng lo ngại vì TP.HCM là thành phố đầu tàu, cực tăng trưởng của cả nước, cần phân tích kỹ để tìm ra dư địa phát triển cho giai đoạn tới.

'Phải xác định Long Thành cũng là sân bay thứ 2 của TP.HCM'- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

ĐT

Trong quy hoạch, TP.HCM lựa chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế 8,5 - 9%, trong đó giai đoạn 2026 - 2030 là 9,5 - 10%. Nhìn nhận đây là thách thức rất lớn đối với thành phố, ông Sinh lưu ý, cần có những đột phá thực sự để quy hoạch có tính khả thi.

"Rà soát lại tỷ trọng cơ cấu khu vực công nghiệp và xây dựng thấy rất khiêm tốn, đến năm 2023 chỉ chiếm 26,3 - 27,3%, tăng không đáng kể so với năm 2020 là 25%", ông Sinh nói.

Nhấn mạnh kịch bản phát triển đặt ra như vậy, song quan trọng là giải pháp gì để có thể đạt được điều đó, ông Sinh đề nghị tập trung "làm sắc nét hơn các điểm nghẽn trong phát triển TP.HCM, cái gì là yếu tố cốt tử, từ đó có giải pháp phù hợp".

Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn vai trò của TP.HCM trong vùng Đông Nam bộ và vùng động lực phía nam với tư cách TP.HCM là một cực tăng trưởng.

Hiện nay, quy mô nền kinh tế TP.HCM chiếm 54% của vùng, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ. Do vậy, mỗi yếu tố phát triển của TP.HCM đều ảnh hưởng đến vùng, nhất là mục tiêu tăng trưởng và cơ cấu kinh tế.

Xem xét xem khai thác hợp lý quỹ đất 2 bên bờ sông Sài Gòn

Tại hội nghị, nhiều ý kiến dành sự quan tâm cho việc xác định vai trò, vị thế của sân bay Long Thành (H.Long Thành, Đồng Nai) trong phát triển TP.HCM thời gian tới.

Là một trong những chuyên gia phản biện quy hoạch, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nhấn mạnh: "TP.HCM là thành phố toàn cầu. Muốn phát triển TP.HCM mang tầm đối ngoại thì phải có tầm nhìn về sân bay thứ 2 của TP.HCM, ngoài sân bay Tân Sơn Nhất. Dù sân bay Long Thành nằm ở H.Long Thành nhưng phải hiểu đây là sân bay thứ 2 của TP.HCM. Trong tương lai, việc kết nối với quốc tế chính là ở đây".

Chuyên gia Cao Viết Sinh cũng phân tích, ở khía cạnh không gian phát triển kinh tế - xã hội, trong quy hoạch mới đặt ra vấn đề nội bộ của TP.HCM. Ông Sinh dẫn ví dụ: "Với sân bay Long Thành, dù sân bay ở Đồng Nai nhưng phải xác định đó cũng là sân bay của TP.HCM chứ không phải chỉ có sân bay Tân Sơn Nhất".

Bên cạnh câu chuyện liên quan sân bay Long Thành, theo ông Trần Ngọc Chính, cần làm rõ hơn về kinh tế. "Vấn đề quan trọng của TP.HCM trong quy hoạch này là kinh tế hướng biển, hướng biển tập trung vào cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ", ông Chính nói.

Ông Chính đề nghị bổ sung phân tích rõ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tác động đến kinh tế biển của thành phố với các cảng và khu công nghiệp sau cảng như Cát Lái, Hiệp Phước... ra sao. Đây đang là các khu cảng có ý nghĩa lớn của thành phố.

Theo ông Chính, trong báo cáo không đề cập hiện trạng hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đầy đủ để giải quyết việc đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần giờ có cạnh tranh gì với Cái Mép/Thị Vải; giao thông kết nối cảng với nội địa cũng là bài toán khó.

Mặt khác, cảng nằm ngay bên Khu sinh quyển quốc tế Cần Giờ, do vậy, cũng cần phải xem xét, đánh giá tác động về môi trường ở mọi khía cạnh của phát triển bền vững.

Đối với hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, theo ông Chính, ngoài ý nghĩa kinh tế của sông Sài Gòn như cấp nước, giao thông, vấn đề đáng lưu ý là khai thác vào quy hoạch cảnh quan dọc sông. Đây là trục cảnh quan rất quan trọng của thành phố nên phải xem xét xem khai thác quỹ đất 2 bên bờ sông thế nào là hợp lý.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong quy hoạch, cần tập trung làm rõ hơn tác động của sân bay Long Thành, cảng Cần Giờ, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính và không gian ngầm khi làm đường sắt đô thị đối với phát triển của TP.HCM thời gian tới. 

"Đây sẽ là cơ cấu mới, đột phá mới, làm sao thể hiện rõ nét hơn trong định hướng phát triển TP.HCM thời gian tới", Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.

Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập bởi liên danh tư vấn 10 thành viên, trong đó có 3 công ty tư vấn nước ngoài. Royal HaskoningDHV (Hà Lan) là đơn vị thực hiện quy hoạch tích hợp đầu tiên và cuối cùng.

Tại hội nghị ngày 12.6, hồ sơ trình thẩm định của Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua với điều kiện là phải chỉnh sửa, bổ sung.

Quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của TP.HCM trên 5 nội dung: kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh, xã hội văn minh và môi trường bền vững.

Trong 3 kịch bản phát triển kinh tế TP.HCM, kịch bản được chọn nêu rõ: đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nguồn lực thực hiện dự án giữ vai trò động lực tạo ra sự đột phá, phù hợp với xu hướng phát triển vùng Đông Nam bộ. Tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM theo kịch bản này là 8,5 - 9%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.