Phải xử lý hình sự những kẻ kinh doanh thịt thối

24/11/2015 08:29 GMT+7

Gần đây, cơ quan chức năng ở TP.HCM liên tục phát hiện, bắt giữ những vụ vận chuyển thịt thối, thịt biến chất từ các tỉnh đưa về TP.HCM để tiêu thụ.

Gần đây, cơ quan chức năng ở TP.HCM liên tục phát hiện, bắt giữ những vụ vận chuyển thịt thối, thịt biến chất từ các tỉnh đưa về TP.HCM để tiêu thụ.

Heo sữa bệnh, bốc mùi hôi thối bị bắt giữ tại cửa ngõ TP.HCM	- Ảnh: Công Nguyên 
Heo sữa bệnh, bốc mùi hôi thối bị bắt giữ tại cửa ngõ TP.HCM - Ảnh: Công Nguyên
Tuy nhiên, phần lớn chỉ xử phạt lái xe chở thịt vài triệu đồng rồi cho đi, không đủ sức răn đe.
Siêu lợi nhuận, xử thì quá nhẹ
Cần xem lại trách nhiệm thú y địa phương
Theo ý kiến của nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên, việc xử phạt chỉ 4,3 triệu đồng đối với chủ cơ sở buôn bán vú heo thối ở P.15, Q.Bình Thạnh mà Thanh Niên phản ánh là quá nhẹ. Ngoài xử lý hành chính cần xem lại trách nhiệm của thú y địa phương, UBND P.15. Việc vú heo thối nhập lậu từ Trung Quốc vận chuyển qua nhiều chốt CSGT, trạm thú y các tỉnh mà vẫn trót lọt, vào đến tận TP.HCM, nhiều bạn đọc thắc mắc “sao dễ lọt như vậy?”. Việc ông Quảng (chủ cơ sở này) đưa ra giấy chứng nhận kiểm dịch được xác định là giả mạo, tại sao cơ quan chức năng không vào cuộc điều tra, xử lý?
Theo một cán bộ thú y, việc xử lý người buôn bán, vận chuyển thịt thối hiện nay là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
“Buôn bán thịt, phụ phẩm động vật thối là siêu lợi nhuận, vì vậy những người kinh doanh “thịt bẩn” bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, tìm mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng. Khi bị bắt giữ, các tài xế vận chuyển thịt thường khai họ nhận hàng ở tỉnh, người gửi hàng bảo vào TP.HCM sẽ có người nhận mà không biết chủ hàng và người nhận là ai; lái xe làm đơn xin tiêu hủy thịt thối và đóng phạt là xong.
Thực tế, các chủ hàng đứng đằng sau, họ lo mọi chi phí phạt xong thì vẫn còn lời nếu chỉ cần một vài vụ vận chuyển trót lọt”, vị cán bộ thú y này nói và cho biết thêm, với những trường hợp này thường thú y chỉ xử lý yếu tố thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
“Theo tôi, lực lượng phối hợp nếu phát hiện phương tiện chở thịt thối, cá nhân buôn bán thịt thối, ngoài phía thú y xử lý, thì cần báo cho CSGT, công an vào cuộc điều tra, xử lý, có thể giam xe, khởi tố vụ việc, truy tìm cho ra kẻ đứng đằng sau, chứ không thể để tài xế nộp phạt rồi thôi. Nếu làm quyết liệt như vậy, tôi đảm bảo sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng thịt thối tuồn vào TP.HCM tiêu thụ như gần đây” - cán bộ thú y này đề xuất.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM - đề xuất: “Cần quy định rõ ràng: xe nào chở số lượng “thịt bẩn” bao nhiêu, lần đầu bị phát hiện sẽ giam bằng lái tài xế, lần hai giam xe, nếu tiếp tục sẽ tăng hình phạt và xử lý hình sự. Nếu luật quy định rõ như vậy, đảm bảo sẽ giảm nạn mua bán, vận chuyển các loại thịt, phụ phẩm động vật thối”.
Xử lý hình sự mới sợ
Theo các chuyên gia pháp luật, những quy định hiện hành về xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm độc hại, bẩn không còn phù hợp với quy mô, mức độ vi phạm nghiêm trọng xảy ra hiện nay.
Luật sư (LS) Vũ Quang Đức (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trong trường hợp này, chủ xe, tài xế khi nhận hàng bắt buộc phải biết người giao hàng và nơi nhận hàng. Nếu chủ xe, lái xe khai không biết thì buộc họ phải chịu trách nhiệm về thịt thối vận chuyển. Vi phạm lần đầu phạt hành chính bằng tiền kèm phạt bổ sung là tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện, tùy số lượng hàng vận chuyển và số lần bị phát hiện.
“Do luật trước đây không còn phù hợp, nay để xử lý hình sự hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm bẩn hoặc thực phẩm có chất độc hại của các cá nhân, tổ chức về tội “vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo điều 244 bộ luật Hình sự là rất khó vì không chứng minh được “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng”. Vì vậy, luật cần thay đổi theo hướng “người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm bẩn với số lượng lớn (quy định rõ số lượng) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương tự nhưng tiếp tục vi phạm thì bị xử lý hình sự. Phải xử lý thật nghiêm những kẻ kinh doanh thịt thối thì họ mới sợ”, LS Đức bức xúc.
Theo LS Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM), nên quy định chủ xe, hoặc tài xế cùng liên đới chịu trách nhiệm về thực phẩm bẩn do xe họ vận chuyển. “Vì tính cấp thiết, vì sức khỏe của cộng đồng, trong khi chờ sửa luật, cơ quan chức năng vẫn có thể linh động xử lý theo quy định hiện hành, vận dụng điều 244 bộ luật Hình sự, áp dụng theo hướng nghiêm trọng không có nghĩa là gây chết người mà đây có thể là hậu quả ở tương lai, sở dĩ hiện tại không xảy ra hậu quả bởi người vi phạm đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn”, LS Hà Hải lập luận và khẳng định từ phân tích trên vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.