Ngày 7.5, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược với một số sở ngành, bệnh viện và một số quận, huyện trên địa bàn.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết công tác quản lý các cơ sở, nhà thuốc còn sự chồng chéo giữa 2 sở (Sở An toàn thực phẩm và Sở Y tế TP.HCM).
Theo bà Lan, theo quy định của Thủ tướng, việc thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở một lần/năm là thanh tra có kế hoạch. Còn thanh tra đột xuất là không giới hạn số lần mà phải tùy thuộc vào tình hình thực tế.
“Nếu chúng ta nắm bắt có được những thông tin tố cáo, phản ánh về vi phạm của các doanh nghiệp, nhà thuốc thì sẽ tiến hành kiểm tra. Việc thanh tra không phải là ‘giết gà dọa khỉ’ mà để răn đe, cho các đơn vị, cơ sở doanh nghiệp biết rằng luôn có thể bị kiểm tra bất cứ lúc nào để không cố tình vi phạm”, bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng cần phải "mạnh tay" hơn trong công tác xử lý vi phạm hành chính về quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.
Theo bà Lan, tại TP.HCM đa số địa chỉ các cơ sở buôn bán thực phẩm chức năng chỉ là văn phòng đại diện. Cho nên khi đoàn đến kiểm tra thì còn nhiều hạn chế trong việc liên lạc với chủ cơ sở và xử phạt các quảng cáo sai quy định.
Trong buổi làm việc, theo đại diện lãnh đạo UBND quận Tân Phú, hiện toàn quận đang quản lý hơn 400 nhà thuốc. Mỗi năm có các kế hoạch thanh tra các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo UBND quận Tân Phú, theo kế hoạch thanh tra hằng năm là không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm đối với doanh nghiệp. Do đó, UBND quận Tân Phú chỉ có thể kiểm tra đợt hai với yêu cầu phải có đơn thư tố cáo, phản ánh cơ sở đó vi phạm.
Qua đó, đại diện UBND quận Tân Phú kiến nghị HĐND có giải pháp để cho các đoàn có thể kiểm tra, thanh tra nhiều lần. Vì có những cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng qua đợt kiểm tra họ lại cố tình vi phạm tiếp.
Tại buổi khảo sát, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm 2023 thành phố có 8.387 cơ sở bán lẻ thuốc và 1.512 cơ sở bán buôn thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Trong hai năm 2022 và 2023 đã kiểm tra 261 cơ sở, trong đó có 117 cơ sở vi phạm và đình chỉ hoạt động 4 cơ sở. Tổng số tiền phạt hơn 3,2 tỉ đồng.
Hiện nay vẫn còn tình trạng dược sĩ phụ trách chuyên môn vắng mặt tại nhà thuốc; bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc còn phổ biến; cơ sở kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền không đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ...
Bình luận (4)
Không ít người lại nói trước giờ nhẹ tay ...giờ buộc phải mạnh tay ...thật ra quy định liên quan thì không thiếu ...chờ xem
xử lý thật nghiêm người dân bớt lo trong thời gian qua hình như các vụ vi phạm điều do các nhà báo phát hiện
Vấn đề ở chỗ định danh sai. Thuốc bổ và thảo dược thì không phải là thực phẩm. Nó là thuốc, dùng để xử lý một vấn đề sức khỏe nào đó. Gán cho các thuốc đó tên "thức phẩm chức năng" rồi cơ quan quản lý an toàn thực phảm kéo nhau đi kiểm tra, phạt là sai từ gốc.