Một trong những vi phạm đáng lưu ý của các thực phẩm chức năng là về chất lượng. Vấn đề này được đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nêu lên tại hội thảo quản lý thực phẩm chức năng do Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức mới đây.
Trung bình 11% mẫu kiểm nghiệm vi phạm
Cụ thể, theo các cơ quan chức năng thì doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng có chất lượng và độ an toàn không như công bố.
Điều này được TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (trực thuộc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) dẫn chứng. Theo ông, giai đoạn từ năm 2017 - 2023, đơn vị đã lấy kiểm nghiệm 988 mẫu thực phẩm chức năng. Trong đó phát hiện 113 mẫu (11,4%) không đạt về chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu vitamin, chỉ tiêu định tính và định lượng…
Ông Sơn thông tin thêm, tỷ lệ mẫu không đạt kết quả giảm đều từ năm 2018 - 2023, tỷ lệ trung bình mẫu không đạt trên mẫu kiểm tra là 11%. Đây là một tỷ lệ khá cao, nhưng do mẫu lấy kiểm tra thường là mẫu nghi ngờ, mẫu có thể có nguy cơ không đạt.
"Từ năm 2017 - 2020, đa số mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh xảy ra ở mẫu thực phẩm bổ sung, do đa số các sản phẩm này chưa được sản xuất trong cơ sở có kiểm tra nghiêm ngặt về môi trường. Chỉ tiêu vitamin không đạt chiếm tỷ trọng cũng khá cao trong các thực phẩm bảo vệ sức khỏe, do hàm lượng các vitamin trong sản phẩm rất nhỏ, hơn nữa các nhà sản xuất không dùng đúng dạng muối của nguyên liệu đã đăng ký trong công bố", ông Sơn nói.
Ngoài ra, chỉ tiêu định tính, định lượng (chất khác vitamin) chiếm tỷ lệ không đạt cũng khá cao, xảy ra ở các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Đây là điều đáng lo ngại vì trong thành phần công thức có ghi dược liệu quý có tác dụng chính, nhưng đánh giá định tính, định lượng chỉ đưa ra 1 hoặc 2 chất là chất chỉ thị không đủ đại diện cho dược liệu đăng ký.
Đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nêu ra khó khăn, đó là trong quá trình kiểm nghiệm, các mẫu có chứa dược liệu mà không có chuẩn dược liệu đối chiếu (chất chuẩn dược liệu được cung cấp từ hai viện đầu ngành không đủ để đáp ứng). Một số cơ sở vẫn còn đối phó, không phối hợp với trung tâm kiểm nghiệm trong việc cung cấp hồ sơ công bố, tiêu chuẩn của nhà sản xuất để phục vụ việc đánh giá sản phẩm của trung tâm kiểm nghiệm.
Quản lý ra sao?
Về quản lý Nhà nước cấp địa phương, bên cạnh kêu gọi doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân. Trong quá trình kiểm tra thì sẽ thực hiện lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong thực phẩm chức năng.
Còn Cục An toàn thực phẩm kiến nghị cần đẩy mạnh và mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Tăng cường công nghệ trong sản xuất nguyên liệu và sản xuất sản phẩm chức năng. Tăng cường đầu tư chất xám, phối hợp với khoa học công nghệ trong sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, cần quảng bá, khuyến khích các sản phẩm chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường.
Sản xuất thực phẩm chức năng bằng "công nghệ xô, chậu"
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết theo quy định thì thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học) phải được sản xuất (hoặc nhập khẩu) trong dây chuyền đạt GPM (thực hành sản xuất tốt).
Nhưng nan giải là có sản phẩm mang tiếng là thực phẩm chức năng nhưng sản xuất bằng "công nghệ xô, chậu" là chủ yếu, tức mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu rồi cho vào là xong.
Bà đặt vấn đề, hiện nay, có ai dám chắc hay khẳng định tất cả thực phẩm chức năng trên thị trường người dân mua đều được sản xuất đúng quy trình GMP hay không? Hay có những sản phẩm chưa đạt len lỏi vào thị trường.
Bình luận (0)