Đó là nhận định của thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an). Ông Vệ cho biết Nghị định 47 của Chính phủ ban hành năm 1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và bộ luật Hình sự chỉ quy định về súng quân dụng, trong khi đó các loại súng tự chế, như súng bút (súng ám sát), súng bắn đạn hoa cải, súng săn... cũng có thể gây chết người, nhưng lại không có các chế tài cụ thể. Trong thời gian qua, đã có rất nhiều người tàng trữ, sử dụng các loại súng nói trên gây ra nhiều vụ án giết người, cướp của, nhưng do chế tài còn thiếu nên việc xử lý chưa đủ sức răn đe.
|
Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP.Hà Nội, cho biết thêm, hiện các trường hợp phát hiện sử dụng tàng trữ súng tự chế như súng bắn đạn hoa cải, súng bút... nhưng chưa có hành vi gây án thì chủ yếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt cao nhất 12 triệu đồng. “Cần phải tăng mức chế tài thật nặng, hoặc coi một số loại súng như: colt, bắn đạn ghém, bắn điện, bắn bi, bắn đạn hoa cải... là những loại có tính sát thương cao, như vũ khí quân dụng. Nếu làm được điều này thì nhiều khả năng mới đủ sức răn đe, hạn chế các đối tượng buôn bán, tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ nhiều như hiện nay”, thượng tá Tính nhấn mạnh.
Thấy được những bất cập này, tháng 6.2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực từ đầu năm 2012; với quan điểm không có sự phân biệt về súng tự chế hay súng quân dụng, đồng thời siết chặt hơn về các loại vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, thiếu tướng Vệ cho rằng Pháp lệnh 16 cũng chỉ mới khắc phục được một phần các tồn tại trước đây. “Pháp lệnh thì có, nhưng bộ luật Hình sự vẫn chưa được sửa đổi, nên nếu xử lý thì vẫn vướng mắc. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao phối hợp nghiên cứu bổ sung sửa đổi để phù hợp với tình hình”, ông Vệ cho hay.
Trấn áp mạnh ổ nhóm giang hồ
Mặc dù vậy, thiếu tướng Trần Văn Vệ cũng cho biết thực hiện Pháp lệnh 16, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo công an các địa phương mở các đợt cao điểm kiểm tra rà soát về vũ khí, vật liệu nổ, tăng cường vận động người dân giao nộp vũ khí, phối hợp các lực lượng mở nhiều chuyên án triệt phá các băng nhóm sử dụng vũ khí “nóng”.
Lãnh đạo công an nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh... cũng cho rằng cần phải trấn áp mạnh các ổ nhóm giang hồ, côn đồ, đẩy mạnh phối hợp các địa bàn biên giới để chặn đường đi của súng. Thiếu tá Bùi Quốc Dân, Đội trưởng đội 1 PC45 Công an TP.Hải Phòng, cho biết Công an Hải Phòng xác định triệt phá ổ nhóm sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu về súng, hạn chế một lượng lớn việc dùng súng để gây án tranh giành địa bàn, giải quyết mâu thuẫn. Thời gian qua, Công an Hải Phòng tập trung xác lập các chuyên án, điều tra các ổ nhóm, tăng cường phối hợp lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy để triệt phá các băng nhóm hoạt động về tàng trữ, mua bán ma túy, sử dụng súng...
Mới đây, PC45 thành phố cảng triệt phá ổ nhóm do Tộ “tích”, tức Mai Văn Vượng (31 tuổi, ngụ Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) cầm đầu. Đây là ổ nhóm côn đồ hung hãn, từng giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đòi nợ thuê, tàng trữ sử dụng vũ khí quân dụng... trên nhiều địa bàn. PC45 đã làm rõ 14 nghi phạm, bắt Tộ “tích” cùng 6 đàn em, thu giữ 3 khẩu súng các loại, nhiều áo giáp chống đạn và vũ khí...
Theo đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng, ngoài triệt xóa ổ nhóm, Công an thành phố cũng tăng cường vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu cháy nổ... Đến nay, 100% các hộ dân trên địa bàn ký cam kết không sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ. Công an Hải Phòng cũng tích cực vận động người dân tố giác những người tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ...
Ngoài các biện pháp mạnh trên, đại tá Vũ Chí Thực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết Công an tỉnh đang tích cực phối hợp Viện KSND, TAND truy tố, xét xử nghiêm các vụ án vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ. “Các vụ mua bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí để gây án, gây hậu quả nghiêm trọng đều được đưa ra xét xử lưu động, nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung”, đại tá Thực nhấn mạnh.
Thu hồi 380.000 khẩu súng Theo thống kê của Bộ Công an, sau 15 năm (1996-2011) thực hiện Nghị định 47/CP, cả nước đã vận động thu hồi được 380.000 khẩu súng các loại. Trong đó, tỉnh Sơn La thu được trên 66.000 khẩu súng; Điện Biên 40.000 súng... “Việc thu giữ nhiều súng, đạn đã giúp giảm đi hàng ngàn vụ án hình sự”, thiếu tướng Trần Văn Vệ nói. Riêng tại Hải Phòng, trong đợt cao điểm (từ 15.3 đến 15.9.2012) trấn áp tội phạm, vận động người dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, toàn thành phố đã thu hồi 116 khẩu súng (28 súng quân dụng, 25 súng bắn đạn hoa cải, 34 súng thể thao, 29 súng tự chế), 44 quả lựu đạn, 3.476 viên đạn, 862 kg thuốc nổ... Thái Uyên - Phạm Hải Sâm |
Phá các đường dây mua bán súng Một lãnh đạo của PC45 Công an TP.HCM cho biết lực lượng trinh sát đã và đang phối hợp với nhiều lực lượng nghiệp vụ khác, trong đó có cả CSGT, kiểm tra các đối tượng điều khiển phương tiện nghi vấn, với mục đích vừa đảm bảo an toàn giao thông, chống đua xe trái phép vừa trấn áp tội phạm. Qua đó phát hiện, bắt giữ nhiều nghi phạm tàng trữ vũ khí, hung khí trong xe. Ngoài ra, trinh sát còn mật phục, hóa trang, cài cắm, nắm bắt thông tin về các đường dây mua bán súng, kể cả các băng nhóm tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép để lên kế hoạch triệt phá, ngăn ngừa kịp thời. Đàm Huy |
Thái Uyên - Hà An - Phạm Hải Sâm
>> Bắt kẻ tàng trữ vũ khí và ma túy số lượng lớn
>> Vào tù vì tàng trữ vũ khí trái phép
>> Y án tử hình kẻ buôn heroin, tàng trữ vũ khí
>> Tàng trữ vũ khí trái phép
>> Phá vụ tàng trữ vũ khí quân dụng và mua bán công cụ hỗ trợ
Bình luận (0)