Sinh năm 1975 tại Thanh Hóa trong một gia đình có truyền thống thể thao, nhà lại sát sân vận động Thanh Hóa nên Như Thuần đến với bóng đá từ khá sớm khi tham gia vào đội trẻ của đội bóng tỉnh nhà. Với thể hình tốt cùng lối chơi mạnh mẽ và có tố chất thủ lĩnh, Như Thuần dần chiếm lĩnh vị trí số một ở hàng phòng ngự các đội trẻ Thanh Hóa.
Bước ngoặt trong sự nghiệp cầu thủ của Như Thuần là ở trận chung kết giải U.19 quốc gia năm 1997. Trong trận đấu đó, Như Thuần với tư cách là đội trưởng của U.19 Thanh Hóa đã chơi cực hay giúp đội nhà đứng vững trước U.19 Thể Công, đội bóng có hàng tấn công rất mạnh và được coi là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng ngự, Như Thuần còn ghi được bàn thắng quyết định bằng một quả đá phạt trực tiếp theo kiểu “lá vàng rơi” giúp đội nhà bước lên ngôi vô địch.
Chứng kiến trận đấu này, ngay cả những người khó tính nhất cũng bị thuyết phục trước khả năng lên công về thủ toàn diện của trung vệ họ Phạm. Kết quả là cuối mùa giải ấy, Như Thuần khăn gói rời đội bóng quê hương và đích đến, không gì khác chính là đội bóng quân đội theo diện “nhập ngũ”.
|
Đây có thể coi là một quyết định đúng đắn và mở ra một chương mới trong sự nghiệp của Như Thuần. Ngay năm đầu tiên khoác áo đội bóng quân đội (1998), Thuần “heo” đã góp công lớn giúp đội nhà giành được chức vô địch quốc gia, tiếp theo đó là Siêu Cúp quốc gia 1999. Bên cạnh đó anh còn được bầu chọn là trung vệ xuất sắc nhất mùa giải và được xem là trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam thời điểm đó.
Nhận xét về Như Thuần, cựu tiền đạo Thể Công và đội tuyển Việt Nam Đặng Phương Nam cho biết: “Thuần là mẫu trung vệ mà tôi rất thích, cao lớn, mạnh mẽ, sức bật cực tốt. Có lẽ do thừa hưởng gen di truyền của bố mẹ, tốc độ không nhanh nhưng khả năng phán đoán tình huống và bọc lót của Thuần thì tuyệt vời.
|
|
Thế nhưng điểm nổi bật và được nhiều người yêu thích ở Thuần chính là phong cách chơi bóng. Mặc dù là một hậu vệ, nhưng ít khi nào Thuần “heo” dùng sức, không băm bổ, đá láo mà luôn dùng đầu óc, kỹ thuật để cuớp bóng trong chân đối phương rồi tổ chức tấn công chứ không tìm mọi cách để phá. Phong cách chơi bóng hiện đại và đậm chất kỹ thuật ấy cho đến tận bây giờ vẫn rất hiếm”.
|
Từng được gọi vào đội tuyển châu Á năm 2000
Sau thành công trong mùa giải 1998, không có gì là ngạc nhiên khi Như Thuần được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Giải đấu quốc tế đầu tiên của trung vệ người Thanh Hóa là SEA Games 1999.
Nhớ lại giải đấu đó, Như Thuần chia sẻ đầy tự hào: “Hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam lúc đó gồm: Đỗ Khải, Tiến Dũng, Công Minh, Đức Thắng và tôi được coi là hàng phòng ngự số một Đông Nam Á ở thời điểm đó. Chúng tôi đã phối hợp cực kỳ ăn ý với nhau và lập kì tích giữ trắng lưới trong suốt cả chặng đường tiến vào chung kết năm đó. Đáng tiếc là chúng tôi đã không duy trì được thành tích ấn tượng đó trong trận chung kết và bị khuất phục bởi hai cú sút xa của người Thái”.
|
Với thể hình khá to cao, lại có sức bền, sức bật tốt cùng một cái đầu khá thông minh, Như Thuần thường phán đoán lối chơi để “bắt bài” đối thủ, cướp bóng rồi lập tức tổ chức phát động tấn công một cách hiệu quả. Ở thời kỳ đó và ngay cả đến bây giờ, nhiều người cũng đánh giá rằng: hiếm trung vệ nào sở hữu lối chơi kỹ thuật và lại có khả năng đọc đấu pháp của các huấn luyện viên giỏi như Phạm Như Thuần.
Có một thống kê không chính thức là trong bất cứ một trận đấu nào, dù ở cấp độ đội tuyển hay câu lạc bộ, Như Thuần luôn luôn vô hiệu hóa được Kiatisuk- cầu thủ số 1 Đông Nam Á ở thời điểm đó. Với sự chăm sóc kỹ lưỡng của Như Thuần, Zico Thái chưa bao giờ ghi được bàn thắng và hầu như “tắt điện”.
Trước khi chia tay đội tuyển quốc gia, Như Thuần còn giành thêm 1 tấm HCĐ tại Tiger Cup 2002 dưới triều đại của HLV Calisto.
|
Thử sức ở nhiều vai trò
Khi các hậu vệ cùng lứa ở đội tuyển quốc gia như Đỗ Khải, Mai Tiến Dũng, Nguyễn Đức Thắng... lần lượt treo giầy, người hâm mộ vẫn thấy Như Thuần tiếp tục miệt mài cống hiến và thi đấu bóng đá đỉnh cao ở tuổi ngoài 30. Vẫn những pha can thiệp dứt khoát, những phán đoán nhanh nhạy đầy kinh nghiệm, cùng với đó là những pha vào bóng chính xác và quyết liệt, tinh thần thi đấu hết mình, khi cần có thể lăn xả, xoài người để cứu bóng.
Ở bất kỳ đội bóng nào mà anh đầu quân, dù là Thể Công hay những CLB về sau này như Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội T&T, Khatoco Khánh Hòa, Như Thuần đều chơi hết mình như vậy cho đến tận năm 34 tuổi. Anh được người hâm mộ nhớ tới với tư cách là người Mohican cuối cùng của thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.
Sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ, Như Thuần tiếp tục bén duyên với bóng đá trong nhiều vai trò khác nhau. Anh vừa tham gia công tác đào tạo trẻ của VFF, vừa làm bình luận viên bóng đá trên truyền hình và đã theo học nhiều khóa HLV.
|
Sau khi đảm nhiệm vị trí trợ lý HLV đội U.19 Việt Nam tại vòng loại U.19 châu Á 2014, tháng 8.2015, Phạm Như Thuần được bổ nhiệm vị trí HLV trưởng CLB Than Quảng Ninh thay thế ông Đinh Cao Nghĩa và dẫn dắt đội bóng đất mỏ kể từ vòng đấu thứ 20 của V-League 2015. Tuy nhiên chỉ sau 7 tháng cầm quân, đến tháng 3.2016, HLV Phạm Như Thuần bất ngờ nộp đơn rút lui khỏi cương vị HLV trưởng CLB Than Quảng Ninh do bận công việc gia đình và muốn tập trung thời gian tham dự nốt khóa học HLV chuyên sâu do FIFA tổ chức.
|
|
Giờ đây ở tuổi 45, Phạm Như Thuần đang thành công và hạnh phúc trong vai trò Giám đốc kỹ thuật Công ty thể thao ngôi sao Olympic- các dự án bóng đá cộng đồng tại các trường quốc tế tại Hà Nội. Anh cũng là khách mời thường xuyên trên các kênh thể thao của Đài truyền hình Việt Nam và là bình luận viên độc quyền của truyền hình K+. Như Thuần chia sẻ, so với nhiều đồng nghiệp cùng thời, anh may mắn khi vẫn được tiếp tục gắn bó với đam mê của mình, đồng thời được trực tiếp vun đắp những mầm non tương lai của bóng đá nước nhà.
Được làm việc mình yêu, sống cuộc sống mình thích, bên cạnh gia đình nhỏ của mình, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của cựu tuyển thủ quốc gia Như Thuần bây giờ.
|
|
Bình luận (0)