Tôi xin đóng góp một số ý kiến phản biện về dự kiến tổ chức thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo bản dự thảo của Bộ GD-ĐT (thời gian thi 90 phút, đề bài gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng).
Thứ nhất, theo tôi, giáo dục toán học ở bậc phổ thông không nhằm mục tiêu chính là cung cấp kiến thức rộng, mà mục tiêu quan trọng nhất là rèn luyện tư duy, dạy học sinh biết cách tìm hiểu vấn đề, suy nghĩ thấu đáo về một vấn đề và tìm ra phương pháp giải nó. Những điều này cần được trình bày với các lập luận chặt chẽ.
Chúng ta không muốn đào tạo những con người chỉ quen với một loạt các dạng bài, gặp đâu áp dụng dạng bài đó. Chúng ta cần những người trước một vấn đề mới biết tìm ra cách giải.
Rèn luyên tư duy không chỉ để sau này học sinh học toán, mà rèn luyện tư duy để trở thành một người làm việc chịu khó suy nghĩ, chịu khó đối mặt với các vấn đề mới, và có ý thức trình bày chặt chẽ ý nghĩ của mình.
Vì vậy đây không phải chỉ bàn về học sinh sẽ theo ngành toán mà là bàn về học sinh nói chung.
(Trong phần này tôi mới bàn về phần suy nghĩ tìm ra lời giải thôi, chưa bàn về phần lập luận cho một lời giải).
tin liên quan
Hội Toán học phản đối thi trắc nghiệm môn toánSau cuộc họp đột xuất hôm qua 12.9, Ban Chấp hành Hội Toán học dự kiến sẽ kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GD-ĐT phản đối việc năm 2017 và một số năm tiếp theo thi THPT quốc gia bằng hình thức trắc nghiệm môn toán.
Thứ hai, có ý kiến rằng, nếu ra câu hỏi trắc nghiệm tốt thì học sinh phải suy nghĩ đúng mới giải được, không là sai ngay, để đến kết quả đúng phải qua một số bước của tư duy, chứ không đoán mò được.
Điều đó có thể đúng.
Nhưng tôi đặt vấn đề sau: trong vòng 2 phút, thì dù bao nhiêu bước tư duy đi nữa cũng không thể có bước tư duy nào là sâu cả. Nếu trong 2 phút mà qua nhiều bước giải thì chỉ có thể là học sinh đã quen với dạng bài này, cần làm những bước nào, hoặc là đột xuất thông minh loé lên.
Trước một câu hỏi mới, một vấn đề mới, cần phải đầu tư thời gian cho nó, suy nghĩ về bản chất của nó, thì mới ra lời giải được.
Thứ ba, có ý kiến cho rằng có những khi trong cuộc sống ta cần phải quyết định nhanh, lựa chọn được cái đúng, bằng cách suy luận gần đúng, bằng cách loại trừ...
Vâng, điều đó rất đúng. Nhưng đúng cho "có những khi".
Cuộc sống có những khi phải suy nghĩ nhanh, nhưng cuộc sống cần rất nhiều khi suy nghĩ cẩn thận, sâu sắc, và đối mặt với cái mới.
Chúng ta không chỉ đào tạo những người suy nghĩ nhanh có những khi mà cần những người có nhiều khi chịu khó suy nghĩ, tư duy sâu về một vấn đề, diễn đạt đúng những ý nghĩ của mình.
Thứ tư, có ý kiến ở nước này nước khác họ tổ chức thi trắc nghiệm, khoa học kỹ thuật họ phát triển thế còn gì.
Tôi xin hỏi: ta định bê cách thi của họ về nước ta, nhưng ta có bê được cả nền giáo dục của họ về nước ta không ? Mỗi nền giáo dục có những đặc điểm riêng của nó. Nếu thật sự cho một nền giáo dục nào đó là ưu việt, đáng học tập, thì hãy học tập tìm hiểu cách dạy và học cùng với cách thi của họ trước khi áp dụng máy móc riêng cách thi của một số kỳ thi.
Hoặc có ý kiến chỉ ra các ví dụ một số kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng thi trắc nghiệm.
Xin lưu ý rằng trong hầu hết các ví dụ đó (ví dụ về ở nước ngoài và ví dụ về thi học sinh giỏi) thì ngoài thi trắc nghiệm người ta còn có thi vấn đáp hoặc thi tự luận hoặc viết bài luận.
tin liên quan
Thi trắc nghiệm toán có làm hỏng tư duy toán học?Dự thảo đổi mới thi THPT quốc gia 2017 đề cập tới một số vấn đề quan trọng, trong đó sử dụng các bài thi trắc nghiệm cho môn toán đang được tranh luận sôi nổi hơn cả.
Thứ năm, có ý kiến cho rằng sao lại gắn việc học với việc thi vậy, cần phải học để nắm vững kiến thức, học tốt rồi thi kiểu gì chẳng được.
Xin thưa rằng chuyện việc học phụ thuộc vào việc thi chẳng hay gì, nhưng đó là thực trạng chung ở nước ta. Nếu thay đổi được thực trạng đó thì rất tốt. Nhưng chừng nào chưa thay đổi được thì ta cần phải nhìn nhận thẳng thắn điều đó.
Hãy nhớ lại khi nhập hai kỳ thi THPT và ĐH vào làm một, các thí sinh khi đăng ký ĐH đã khốn khổ thế nào mỗi khi các trường thay đổi điểm xét tuyển, và 0,25 điểm chênh lệch có thể làm thay đổi đời của một học sinh.
Thứ sáu, một số ý kiến cho rằng cần chuẩn bị tốt cho học sinh, cho giáo viên, học sinh cần làm quen với cách thi trắc nghiệm qua các kỳ kiểm tra định kỳ.
Điều này chỉ càng khẳng định thêm các ý trên tôi đã viết, việc thi trắc nghiệm THPT sẽ ảnh hưởng đến cách học ở phổ thông.
Thứ bảy, tôi không phản đối một đề thi có phần trắc nghiệm (để phục vụ cho những khi cần suy nghĩ nhanh) và có phần tự luận (để phục vụ cho những khi cần suy nghĩ sâu) (cần nói thêm rằng một đề thi tự luận cũng có thể yêu cầu học trò cả hai khả năng: suy nghĩ nhanh và suy nghĩ sâu sắc). Một đề thi có cả hai phần như vậy có thể chấp nhận được.
Nhưng một đề thi chỉ có phần trắc nghiệm với 50 câu hỏi trong 90 phút sẽ góp phần đào tạo ra những lớp học trò chỉ có thể suy nghĩ mỗi vấn đề trong vòng 2 phút.
Bình luận (0)