Phan Cẩm Thượng: Tấm lòng với văn hóa dân tộc

13/08/2012 08:00 GMT+7

Nếu vẽ chân dung Phan Cẩm Thượng, điểm nổi bật nhất sẽ là bộ râu dài. Nếu khắc họa tính cách của ông thì đó là cái tính thích lang thang, cả đông cả tây, để nghiên cứu hay thu nạp văn hóa.

Đề nghị viết bài về ông, Phan Cẩm Thượng gạt đi: “Mày hỏi cái gì cũng được chứ đừng viết về tao”. Quả là, bài phỏng vấn, bài viết chân dung về Phan Cẩm Thượng nhiều vô số kể, hỏi nữa thì còn gì mới? Nhưng cứ thử nói chuyện với con người này một lúc thì thấy chả hiếm chuyện hay, chuyện mới muốn được khai phá. Ngay như cách xưng “tao - mày”, của ông, người tiếp xúc lần đầu tiên có thể nghĩ tính ông bỗ bã, nhưng đó là ông xưng hô theo kiểu của các cụ ngày xưa (theo tài liệu chữ Nôm trước thế kỷ 18 khảo cứu được). Ông vẫn lưu luyến, muốn tìm về những thứ xa xưa như vậy, từ mỹ thuật cho đến lịch sử, văn hóa, văn minh.

Phan Cẩm Thượng: Tấm lòng với văn hóa dân tộc
Ảnh: Nguyễn Đình Toán 

Tình yêu với vốn văn hóa cổ có lẽ bắt đầu từ khi Phan Cẩm Thượng mới là cậu học trò. “Tôi vào học Trường Mỹ thuật cũng là ngẫu nhiên, nhưng tôi yêu thích vẽ và di tích cổ từ lâu, ngay khi học phổ thông, vì lớp học luôn ở trong các ngôi chùa làng. Khi tôi đi học, nhiều thầy động viên tôi vào công việc nghiên cứu này, cung cấp tư liệu, kể cả tiền bạc, quan hệ để làm được việc, có lẽ họ biết tôi làm tốt. Cái này có lẽ là nhân duyên, nhất là khi tôi đi thực tế ở các địa phương, đâu đâu cũng tạo điều kiện mà không hỏi han gì cả, một điều kiện mà không nhà nghiên cứu nào có được” - Phan Cẩm Thượng kể.

 

Cái này có lẽ là nhân duyên, nhất là khi tôi đi thực tế ở các địa phương, đâu đâu cũng tạo điều kiện mà không hỏi han gì cả, một điều kiện mà không nhà nghiên cứu nào có được

Ông là một trong số ít ỏi những nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ trong nước và đã theo đuổi công việc này từ 30 năm nay. Ấy nhưng, cái duyên cũng mang đến cho ông cả những mối nợ. Di tích, di sản mỹ thuật cổ bị phá hoại - những câu chuyện kể không hết luôn khiến ông đau lòng khó tả mỗi khi nhắc đến. Nên mới có chuyện, một vị họa sĩ, nhà nghiên cứu ngược xuôi lo “cứu” di sản. Tất cả di sản là điều không thể, vậy nên ông quyết dành hết tâm sức giữ gìn ngôi chùa Bút Tháp - nơi mà ông coi là nhà, nơi trốn trở về sau những tháng ngày lãng du. 

Nói về tính thích lang thang của Phan Cẩm Thượng, có lẽ bắt đầu từ khi còn là một cậu học trò. Ngay cả với công việc nghiên cứu, ông tự nhận mình là người tham lam không muốn dừng chân lại ở một điểm. Vì vậy, nếu chỉ gắn Phan Cẩm Thượng với mỹ thuật cổ sẽ là cái nhìn hạn hẹp, ông nghiên cứu mỹ thuật hiện đại, rộng hơn là nghệ thuật, đến văn hóa.

Năm ngoái, cuốn sách Văn minh vật chất người Việt ra mắt giúp nhiều người có thêm góc nhìn mới, rộng và sâu hơn về Phan Cẩm Thượng - một họa sĩ, nhà phê bình, nghiên cứu mỹ thuật. Mặc dù xung quanh cuốn sách có nhiều ý kiến phản biện, nhưng nhìn vào khối lượng kiến thức, thông tin truyền tải cũng đủ thấy Phan Cẩm Thượng là con người nhiệt tâm với văn hóa dân tộc thế nào. Sau Văn minh vật chất người Việt, ông lại tiếp tục con đường rong ruổi khắp mọi miền.

Khoảng thời gian này, ông đang dừng chân tại Hòa Bình, lưu trú trong Bảo tàng không gian văn hóa Mường trên một vạt đồi trong thung lũng. “Sau nhiều năm nghiên cứu văn minh đồng bằng Bắc bộ của người Việt (Kinh), tôi muốn dành thời gian còn lại cho văn hóa các sắc tộc ít người, nên bắt đầu từ các dân tộc ở Hòa Bình” - ông nói. Liệu ông có thực hiện ý tưởng, hay một cuốn sách nào mới tại đây? “Hiện tôi mới đến đây, chưa có gì để nói, nhưng tôi đã nhìn thấy được vài mối liên hệ quá khứ, những sự dịch chuyển dân cư và ngôn ngữ trong lịch sử. Hy vọng là viết được vài công trình” - Phan Cẩm Thượng chia sẻ.

Những chuyến đi mang đến cho ông những điều mới mẻ, vậy còn điều gì chờ đợi ông khi trở về? Có người nói ông là kẻ cô đơn, ông nghèo. Nhưng nếu hiểu Phan Cẩm Thượng, thì mới thấy đâu phải vậy. Con đường, công việc của ông vẫn có những người bạn đồng hành, còn tài sản của ông ư? Giàu lắm! Chẳng phải là những cuốn sách, những công trình nghiên cứu và cả tấm lòng nhiệt thành của một con người với văn hóa dân tộc đó sao.

 

 
Sáng tạo vì khát vọng Việt - Cà phê Trung Nguyên

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu những chân dung Việt Nam, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước,… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Ngọc An

>> Trung Nguyên đã làm rạng danh cà phê Việt Nam
>> Khát vọng “nhà xanh” vươn ra thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.