Phận đời sau tiếng rao ở TP.HCM: 4 đời nương nhờ xe hàng rong Chợ Lớn

14/03/2023 14:14 GMT+7

'Nước cam cà phê sinh tố anh chị ơi', 'Uống cà phê anh chị ơi'… Tiếng rao đơn giản, mộc mạc như cảnh hàng xóm mời nhau giữa làng quê yên ả.

TP.HCM ngày càng có nhiều đổi thay hiện đại hơn. Nhưng tiếng rao của người bán hàng rong nối dài những con phố vẫn vang xa, lanh lảnh. Bên ngoài phố thị, dù ngày hay đêm, dù mỗi người một số phận, những người rao hàng vẫn đang lam lũ, vất vả, oằn mình kiếm sống, mưu sinh…

Sau khi Thanh Niên đăng tải bài báo này, nhiều bạn đọc hỏi thăm kết nối cụ thể để liên hệ. Được sự đồng ý của nhân vật trong bài viết, chúng tôi cập nhật địa chỉ và số điện thoại: Chị Huỳnh Thị Kim Thủy; địa chỉ: 357/22/36 Tân Hoà Đông, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM; Địa chỉ xe nước cố định: đối diện 60 - 62 Bãi Sậy, P.1, Q.6, TP.HCM. SĐT: 0903648837.

Chạy cơm từng bữa

Ở khu Chợ Lớn, qua ngã tư Bãi Sậy - Cao Văn Lầu (Q.6, TP.HCM), tôi bị thu hút bởi tiếng rao bán nước của người phụ nữ có dáng người đậm, da ngăm đen. Đó là làn da mà tôi thường bắt gặp ở những người quanh năm nương rẫy, cháy nắng nên sạm lại, khắc khổ.

Thế mà không phải. Chị là con gái Sài Gòn, mấy đời nội ngoại ở phố thị TP.HCM. Đó là chị Huỳnh Thị Kim Thủy, 42 tuổi, bán nước ở ngã tư Bãi Sậy được 7 - 8 năm nay. Nắng gió khiến da chị Thủy sạm đi, bù lại chị có khuôn mặt xởi lởi, hiền hậu.

Mỗi ngày, chị Thủy đều chăm chỉ rao bán hàng để có tiền thuê nhà và trang trải cho các con. Dẫu nắng, dẫu mưa, chị cũng không nỡ sót một nhịp rao nào. Y như rằng nếu không rao liên tù tì như vậy, chị sợ người ta không để ý...

Phận đời sau tiếng rao ở TP.HCM: Gánh hàng nuôi lớn đời con - Ảnh 1.

Xe nước của chị Thủy nằm ở ngã tư Bãi Sậy - Cao Văn Lầu (Q.6, TP.HCM)

PHAN THU HOÀI

Cách đây hơn 20 năm, chị Thủy gặp và kết hôn với chồng cũ. Sau khoảng thời gian dài chung sống, vì hoàn cảnh, chồng chị đã bỏ đi. Từ đó, mọi gánh nặng cơm áo đổ dồn lên đôi vai chị Thủy khi có người mẹ già, 3 đứa con thơ và đứa út còn nằm trong bụng mẹ.

Số tiền ít ỏi vài ba trăm ngàn mỗi ngày từ quán nước của chị chật vật gồng gánh tiền nhà và tiền sinh hoạt cho cả gia đình. Đứa con gái lớn của chị Thủy năm nay 21 tuổi, có chồng và đứa con trai 8 tháng tuổi. Hàng ngày, 2 vợ chồng con gái lớn gửi con cho chị Thủy rồi đi rửa chén thuê ở Q.11, mỗi ngày được 80.000 đồng. Tiếp đó là 3 đứa con lần lượt 17, 16, 15 tuổi mỗi ngày đi bán nhang và vé số.

Hiện nay, gia đình chị Thủy đang thuê một phòng trọ trên đường Tân Hòa Đông (P.14, Q.6) để ở gồm chị, 5 đứa con (cả con rể) và cháu ngoại. Vì ở đông người, chị phải thuê trọ có giá tính cả điện, nước là 6 triệu đồng/tháng, bằng với số tiền cả một tháng chị bán xe nước dạo.

Phận đời sau tiếng rao ở TP.HCM: Gánh hàng nuôi lớn đời con - Ảnh 2.

Mỗi ngày chị Thủy bán được từ 200.000 - 300.000 đồng tiền nước, chỉ đủ để trang trải tiền phòng trọ

PHAN THU HOÀI

Chị Thủy có mẹ là bà Huỳnh Thị Bích, hiện không ở chung trọ với gia đình mà sống ngay ngã tư Bãi Sậy. Từ lâu bà Bích ở đây, coi ngã tư là nhà, suốt mùa dịch cũng không về.

Bà Bích năm nay ngoài 60 tuổi, có dáng người nhỏ nhắn với mái tóc hoa râm, cắt ngắn. Trước đây, lúc chị Thủy còn đẩy hàng nước đi rao bán khắp nơi, bà Bích cũng đi theo hỗ trợ. 

Sau này, khi chị Thủy bán xe nước cố định ở ngã tư Bãi Sậy, bà Bích mở một hàng bơm vá xe đối diện xe nước. Nói là hàng bơm vá nhưng thực chất chỉ là một khoảnh nhỏ chủ nhà bán tạp hóa tốt bụng cho để nhờ đồ nghề, không mất tiền thuê mặt bằng.

"Tiệm" của bà Bích chỉ vỏn vẹn một góc nhỏ, vài ba chiếc lốp xe cũ, chiếc bơm và mấy dụng cụ vá xe cũ kỹ.

Chủ tiệm tạp hóa nơi cho bà Bích để nhờ đồ nghề, xót xa: "Mỗi ngày bà kiếm được có mười lăm, hai chục ngàn thôi à, vá cái xe có 5 ngàn bạc. Mọi người thương tình nên hay ra ủng hộ, mà có phải xe ai cũng bể bánh hoài, cần bơm hoài mà mang ra vá".

Phận đời sau tiếng rao ở TP.HCM: Gánh hàng nuôi lớn đời con - Ảnh 3.

Bà Bích thương đứa chắt ngoại vì mỗi ngày phải theo bà ngoại và bà cố mưu sinh ở ngã tư

PHAN THU HOÀI

Tay đưa võng cho đứa cháu đang ngủ, chị Thủy kể bà Bích không mướn phòng trọ, cũng nhất quyết không về ở chung với gia đình. Bà không nói nhưng chị biết bà sợ mang gánh nặng cho con cháu. Nhiều lúc bà xin cơm từ thiện để ăn chứ không lấy một đồng nào từ chị.

Từ mấy năm nay, người ta quen thuộc với hình ảnh bà Bích ngủ ở ngã tư với chiếc dù lớn che nắng mưa, sương đêm. Hiện nay, bà bị cục bướu to ở vai trái nhưng không có tiền phẫu thuật

Không có tiền cho con đi học

Những đứa con của chị Thủy đều vì hoàn cảnh khó khăn mà chỉ học đến lớp 4, lớp 5 rồi nghỉ. Riêng đứa con gái thứ hai học đến lớp 2, đủ biết mặt chữ thì chị cho nghỉ sớm vì hoàn cảnh lúc đó quá túng quẫn. Với các con chị lúc này, có lẽ kiếm cơm quan trọng hơn kiếm chữ.

4 giờ chiều, cháu ngoại chị Thủy nằm ngủ trên võng thức dậy. Chị gọi điện cho Hiếu, đứa con gái út, kêu Hiếu mua một ly cháo đầy để cháu ăn. Đứa trẻ 8 tháng tuổi mỗi ngày đều ăn cháo vì không có sữa mẹ, cũng không có tiền mua sữa bột.

Phận đời sau tiếng rao ở TP.HCM: Gánh hàng nuôi lớn đời con - Ảnh 4.

Cháu ngoại chị Thủy mỗi ngày đều cùng bà ngoại và bà cố ở ngã tư bán nước

PHAN THU HOÀI

Hiếu là một đứa trẻ ngoan. Năm nay 15 tuổi, đáng lẽ em đã học đến lớp 10. Từ lúc nghỉ học, buổi sáng em đi bán vé số, chiều về giúp mẹ bán nước.

Hiếu chạy về, khoe bà Bích hôm nay bán được hẳn 100 tờ vé số. Tôi hỏi em bươn chải kiếm tiền sớm vậy còn thích đi học không, Hiếu trả lời: "Giờ mà mẹ có tiền cho em học, cho em đi học lại lớp 5 em cũng chịu nữa".

Nghe con nói vậy, chị Thủy chỉ biết cười khổ, động viên con. Chị bán nước ở ngã tư từ năm Hiếu mới học lớp 1, cho con học đến lớp 5 đã là cố gắng lắm rồi.

Phận đời sau tiếng rao ở TP.HCM: Gánh hàng nuôi lớn đời con - Ảnh 5.

Hiếu khoe bà ngoại nay bán được 100 tờ vé số, trong khi bình thường chỉ bán được 60, 70 tờ

PHAN THU HOÀI

Hiếu nhìn mẹ, đứa con gái út ngoan ngoãn và hiểu chuyện khát khao đi học nhưng không muốn làm mẹ buồn. 

Hiếu hứa với mẹ và bà sẽ chăm chỉ kiếm tiền và phụ giúp mẹ nhiều hơn nữa, sau này có cơ hội sẽ đi học trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.