Chẳng biết có bao giờ hết tiếng rao giữa đô thị TP.HCM. Chỉ biết rằng, đó là một phần tất yếu của cuộc sống, để minh chứng cho số phận, đời người.
Nơi đây, biết bao người đã sống, bám trụ và lớn lên nhờ những tiếng rao, trong đó có anh Nguyễn Đình Điệp (29 tuổi, quê Bắc Ninh) và mẹ của anh, bà Lê Thị Đành.
Không đếm hết những ca phẫu thuật xương thủy tinh
Giữa trưa, tôi men theo bức tường nhỏ, tối mù để vào được căn phòng trọ của mẹ con anh Điệp. Một ngày cuối tháng 2, mùi đồ ăn xen mùi ẩm mốc và cái nắng nóng bao trùm căn phòng nhỏ nằm sâu trong đường Khuông Việt (P.Phú Trung, Q.Tân Phú).
Anh Điệp cùng mẹ vào TP.HCM học từ năm lớp 2 với hy vọng ở thành phố lớn có thể giúp anh chạy chữa bệnh tốt hơn.
Trong người anh Điệp mang di chứng chất độc màu da cam, với khuôn mặt dị dạng và căn bệnh xương thủy tinh. Nhà có 3 chị em, may mắn thay 2 chị gái của anh sinh ra lành lặn, nhưng đến anh Điệp thì phải vật lộn với di chứng chất độc màu da cam do bố đi chiến trường để lại.
Anh Điệp đan 2 bàn tay lem mực vẽ, gầy guộc vào với nhau và khóc. "Hôm nay khi nghĩ lại bản thân đã trải qua quá nhiều chuyện, tôi mới khóc. Đã rất lâu rồi, tôi chỉ khóc vì thương mẹ và ba lúc ông mất, còn những khó khăn thường ngày không khiến tôi khóc nữa. Tôi dành nước mắt cho những điều xứng đáng hơn".
Nhìn lên tấm bằng khen treo gần chiếc kệ nhỏ, anh Điệp ngậm ngùi. Quãng thời gian học cấp 2 là lúc anh rơi vào khủng hoảng nhất. Đó là lúc anh nhận thức được ngoại hình của bản thân không giống như các bạn. Những lời trêu chọc dù là vô tình hay cố ý của mọi người, theo anh kể, đều "như những vết dao cứa vào tim đứa trẻ mới mười một, mười hai tuổi".
Lên cấp 3, anh Điệp học vẽ ở trung tâm dạy nghề ở H.Hóc Môn, TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, nếu xin vào các trung tâm dành cho người khuyết tật để được nuôi ăn ở thì không đỡ đần được cho mẹ, nên anh quyết định ra ngoài sống.
Cuộc sống của 2 mẹ con cứ mỗi ngày trôi qua mà ít được gặp gia đình. Bố anh bị liệt nửa người, mới mất cách đây 3 năm. Bản thân anh Điệp cũng không đếm hết những lần phải đi phẫu thuật gãy tay, gãy chân: "Không đếm hết những lần lên bàn mổ, cứ động nhẹ là gãy. Hai bên chân giờ gắn 2 chiếc đinh".
Phòng trọ nhỏ hẹp, chật chội và có nhà vệ sinh ở ngoài để dãy trọ sử dụng chung. Mẹ con anh thường canh giờ hàng xóm không có ở nhà để sử dụng. Anh kể mẹ từng muốn thuê phòng có nhà vệ sinh riêng để tắm rửa cho anh đỡ bất tiện, nhưng với mức giá trên dưới 1 triệu đồng thì không thể đủ. Mọi đồ đạc được cho lên chiếc kệ nhỏ, dành không gian cho anh Điệp treo tranh.
Thấy ngoại hình anh Điệp nhỏ bé nhưng phải chịu quá nhiều lần phẫu thuật, tôi ngỏ ý muốn nhìn rõ vết sẹo trên chân anh. Anh Điệp mở lời: "Có thể chụp giúp anh một tấm ảnh sẹo ở chân không? Anh không cúi được nên chưa nhìn thấy bao giờ".
Tôi e ngại nhưng vẫn gật đầu. Đưa ảnh cho anh Điệp xem, anh bật cười: "Ôi, xấu nhỉ. Anh không nghĩ nó xấu đến vậy". Tôi nhìn lên đôi mắt anh, ngấn lệ.
Vui vì vẫn nghe được giọng của mẹ mỗi ngày
Nhìn sang bà Đành, người phụ nữ gần 70 tuổi lọ mọ lấy chai nước đặt trên chiếc bếp ga mini, rồi rót nước mời tôi: "Cháu uống đi, nước cô đun sôi rồi đấy, lâu lắm rồi nhà cô không có khách".
Cả cuộc đời của anh từ khi sinh ra, mẹ anh chưa từng rời anh nửa bước. Mẹ cùng anh rời gia đình, quê hương, dành cả phần đời còn lại để chăm sóc cho anh.
Hai mẹ con ngày ngày bán hàng rong, mà theo hàng xóm kể là bán "đủ thứ trên đời". Ngoài vẽ tranh bán, mẹ anh nhập thêm bánh kẹo, nhang, vòng… để bán dịp rằm, mùng một ở các chùa. Mỗi ngày, buổi sáng 2 mẹ con rao bán đồ ngoài đường. Buổi chiều, anh Điệp ở nhà nghỉ ngơi và vẽ tranh, còn mẹ lại đạp xe đi bán một mình hoặc đi lượm ve chai.
Đôi tay tiếp tục xiết vào nhau, anh Điệp chia sẻ, thời gian đầu đi bán đã rất tự ti về gương mặt và giọng nói (do di chứng bệnh nên giọng nói anh Điệp the thé tựa giọng con gái). Anh không dám rao bán hàng, cũng không dám nói chuyện với ai. Chỉ vài câu rao "mua nhang thắp hương cô chú ơi", hay "mua tranh ủng hộ em anh chị ơi" anh cũng nghẹn lại, không cất lên thành tiếng.
Sau này, khi đã dần quen và chấp nhận với những ánh mắt của mọi người, anh Điệp sống lạc quan, vui vẻ. Anh năn nỉ mẹ cho tham gia CLB võ thuật mặc dù tay chân yếu, và đi học đàn guitar.
Anh Điệp cũng không thấy việc bán hàng rong vất vả nữa mà xem đó là lúc để ra khỏi phòng hít thở không khí, giao lưu với mọi người. "Anh vui vì mình vẫn còn được nhìn thế giới, vẫn nghe được giọng của mẹ mỗi ngày và quan trọng là có thể rao bán những bức tranh do mình vẽ".
Tôi tìm đến mẹ con anh vào những ngày anh nghỉ ngơi sau ca phẫu thuật, chưa đủ sức khỏe đi bán hàng. Chắc chắn những ngày sau, anh sẽ tiếp tục cùng mẹ, cùng tiếng rao quen thuộc đồng hành trên nhiều ngõ ngách đô thị TP.HCM.
Cũng như các thành phố lớn khác, TP.HCM là chốn giao thương nhộn nhịp, tấp nập kẻ mua người bán.
Cửa tiệm mọc lên khắp nơi, có chỗ mua bán, có chợ, có cửa hàng... Không có đất thì người ta thuê mặt bằng, tùy khu vực mà giá thuê dao động cao thấp.
Ớ đó cũng có sự phân hóa, người giàu mở tiệm, người nghèo buôn gánh bán bưng, dùng chiếc xe và tiếng rao vang vọng khắp mọi ngõ ngách của thành phố để mưu sinh.
Bình luận (0)