Cứ khoảng 6 giờ mỗi sáng, tiếng rao quen thuộc của chú thu mua sắt vụn lại vang lên. Gọi là chú thu mua sắt vụn, bởi tôi chưa một lần biết tên, biết tuổi, chưa một lần giao tiếp với người đàn ông chăm chỉ, chịu khó ấy. Tôi luôn thức dậy cùng lúc tiếng rao của chú mà không hay biết nhà chú ấy cách nhà tôi tầm 5-6 km. Đạp xe ròng rã qua những xóm làng để đến đây lúc 6 giờ sáng thì chú ấy phải dậy thật sớm cho kịp những buổi bình minh.
Hàng xóm nhà tôi có chú lái xe ôm, sáng sáng đưa vợ đi làm rồi cả ngày ở ngoài đường chạy xe đến tối muộn mới về. Cứ chuyến xe khách nào tới là chú lại chạy theo, tiếng gọi mời thường bị hòa lẫn với những tiếng mời chào khác, tiếng xe, tiếng còi. Nhiều người chỉ đáp lại bằng cái lắc đầu, có người lại nhìn lại với vẻ mặt khó chịu, và giờ đây, khi xe ôm công nghệ đã phát triển vũ bão, sự thất thế của những tiếng mời chào truyền thống lại càng đáng thương hơn.
Có một hôm tôi đi uống cà phê, một người khuyết tật mời mua bông ngoáy tai. Tôi từ chối, anh mời đúng 1 lần, không nài nỉ thêm, rồi lại nhanh chóng di chuyển sang bàn khác, mặc dù đôi chân anh không lành lặn. Lúc anh mời mọi người mua, tôi để ý anh không nhìn thẳng vào mắt họ. Nhưng tôi vẫn rất ấn tượng vì sự dứt khoát của anh. Càng vậy, tôi lại càng buồn vì đâu đấy trong xã hội vẫn còn những phân biệt và kỳ thị khiến người làm ăn chân chính như anh phải mặc cảm chẳng thể nhìn thẳng vào mắt người khác.
Cách mạng 4.0 làm cho cuộc sống tiện lợi hơn nhiều thông qua những cú click chuột. Người ta chẳng phải mặc cả với những chú xe ôm truyền thống, chẳng phải sợ những người bán rong bán đắt, giao tiếp cũng được lược bỏ đi. Nhưng đâu đó trên đường tấp nập, trong ngõ nhỏ xôn xao, vẫn những tiếng rao thu mua sắt vụn, quà chiều, sửa điện vang lên đều đặn, nhịp sống của những người lao động tại Thủ đô vẫn đều đặn quay mà 4.0 dường như chẳng ảnh hưởng tới nhiều.
Hà Nội cũng nhiều hoa lệ, dù nhà cao tầng, xe hơi đang dần lấp đầy những mảnh ruộng và con đường, tôi vẫn thấy quanh đây biết bao nhiêu người lao động một nắng hai sương, vất vả ngược xuôi để mưu sinh kiếm sống. Dù có là tiếng rao dõng dạc để cả xóm nghe thấy của chú đồng nát; hay tiếng mời mọc vội vã ở bến xe đông đúc; tiếng chổi tre đêm khuya; tiếng lửa bập bùng trên hè phố để sưởi ấm,... thứ âm thanh nào cũng thật đáng trân quý và cần sự sẻ chia. Tôi không biết với sự xâm chiếm của công nghệ, cộng thêm những ảnh hưởng chẳng thể lường tới từ đại dịch Covid-19, mong muốn có được một cuộc sống đủ đầy hơn của những người lao động truyền thống liệu bao giờ mới thành hiện thực? Tiếng rao sớm hôm đến khi nào mới bớt đi phần cực nhọc, lo âu?
|
Bình luận (0)