Suối Reo dài khoảng 10 km, bắt nguồn từ xã Quang Trung đi qua Gia Tân 3, Gia Tân 2 và điểm cuối là xã Gia Tân 1 (đều thuộc H.Thống Nhất). Trước khi đổ vào hồ Trị An, con suối được thiên nhiên ưu đãi tạo ra ngọn thác cao khoảng 15 m trông rất đẹp mắt, bao quanh là rừng phòng hộ, vùng trồng cây ăn trái (rộng khoảng 100 ha). Thế nhưng hiện thác suối Reo bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Phân dày hơn 2 m
|
Ông Nguyễn Văn Hóa (55 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1) chua xót: “Hơn 10 năm trước, con suối Reo đẹp lắm, nước trong veo và nhiều cá. Thác suối Reo là nơi vui chơi và tắm mát của người dân trong vùng. Vậy mà mấy năm nay, người chăn nuôi heo và sinh sống ở hai bên bờ sông xả thải xuống khiến con suối bị ô nhiễm khủng khiếp. Nước suối chuyển màu đen đặc, bốc mùi hôi thối. Thác suối Reo thì bị phân heo bám dày từng lớp đen thui, không ai đứng được lâu bên dòng thác này. Tiếc cho một cảnh đẹp bị hủy hoại”.
Còn ông Nguyễn Văn Long (48 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1) than vãn: “Nhiều cửa nơi thác Reo đổ vào lòng hồ Trị An phân heo đóng một lớp dày. Tôi lội xuống để kéo lưới mà phân dày ngập tới hơn
2 m. Nước ở cửa suối đổ vào lòng hồ chuyển màu đen, đóng váng xanh dày, nổi bọt. Không những vậy, mùa mưa xác heo, gà chết từ khắp nơi cuốn trôi về đây đổ thẳng ra lòng hồ Trị An nhiều không kể nổi. Tôi phải thường xuyên chèo thuyền gạt ra xa mà không hết”.
Ngoài việc tiếc nuối về một con suối và dòng thác đẹp có thể phát triển du lịch, nhiều người dân rất lo ngại về nguồn nước bị ô nhiễm. Bởi suối Reo đổ vào lòng hồ Trị An, nguồn cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng triệu người dân ở Đồng Nai và TP.HCM.
|
Chỉ mới nạo vét được một đoạn
Bà Trịnh Thị Bích Liên, Phó chủ tịch UBND xã Gia Tân 1, cho hay suối Reo đi qua 5 xã của H.Thống Nhất, là những xã chăn nuôi heo rất nhiều. Xã Gia Tân 1 là điểm cuối nguồn nên phải hứng chịu tất cả ô nhiễm đổ dồn về. “Tình trạng ô nhiễm diễn ra lâu nay, việc xả thải và người dân chưa ý thức còn lén lút vứt heo chết ra suối. Trong khi lực lượng mình mỏng không thể kiểm soát hết. Hồi xưa còn có người tới tắm ở thác Reo, nay thì không thấy ai lui tới nữa”.
Còn ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất, cho hay: “Việc xả thải ra suối có thể là do nước rửa chuồng hoặc hố chứa chất thải gặp trời mưa bị tràn ra, chứ các hộ chăn nuôi hầu hết đều có hầm chứa chất thải và hố bioga. Chúng tôi cũng đã tổ chức kiểm tra thường xuyên 96 trang trại chăn nuôi trên địa bàn, qua đó phát hiện và xử phạt hơn 40 cơ sở xử lý chất thải chưa đạt yêu cầu. Nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô 100 con heo nhưng hố xử lý chỉ đạt 70 con”.
Cũng theo ông Tùng, Phòng NN-PTNT H.Thống Nhất đã phối hợp với các đơn vị khác thực hiện di dời được 10 trang trại ra xa dòng suối. Kiểm tra và không cho các trang trại nằm gần suối xả thải. Đồng thời, thực hiện nạo vét lòng suối cho thông thoáng. “Suối Reo đoạn đầu nguồn tuy chưa sạch hẳn nhưng có đỡ hơn, đoạn giữa từ xã Gia Tân 3 đến Gia Tân 2 chúng tôi đã thực hiện nạo vét được 3 km. Hiện còn một đoạn nữa thì cần thời gian và có kinh phí mới làm được”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, chúng tôi
liên hệ với Phòng TN-MT H.Thống Nhất để làm việc thì nơi này yêu cầu phải có chỉ đạo của UBND huyện. Tiếp tục liên hệ với bà Trần Thị Kim Trinh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND H.Thống Nhất, thì bà Trinh nói: “Phải có công văn để huyện có thời gian chuẩn bị và trả lời”.
Bình luận (0)