Phấn khởi vì lúa được mùa trúng giá

Chí Nhân
Chí Nhân
10/04/2023 06:35 GMT+7

Trong suốt một thập niên qua, thời điểm này là lần đầu tiên cả nông dân và doanh nghiệp đều lạc quan với hoạt động sản xuất và kinh doanh gạo.

"Trúng nhất 10 năm qua"

Ông Võ Xuân, nông dân trồng lúa ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), phấn khởi cho biết vụ hè thu sớm giờ này trổ đòng đòng được mấy ngày, khoảng gần một tháng nữa là thu hoạch. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, giá phân bón giảm, trong khi giá lúa đang ở mức cao và xu thế tiếp tục tăng nên ông và nhiều bà con ở địa phương rất phấn khởi.

Tại An Giang một trong những địa phương có diện tích và sản lượng lúa lớn nhất cả nước, nhiều nông dân cũng rất vui mừng vì lúa trúng mùa được giá. Ông Nguyễn Thành An, ở Thoại Sơn, sở hữu diện tích đất trồng lúa trên 50 ha, hồ hởi khoe: "Trồng lúa 3 vụ rủi ro rất cao về năng suất, chất lượng và giá cả. Chính vì vậy nhiều năm nay tôi và bà con nơi đây chỉ làm 2 vụ. Bản thân tôi vừa thu hoạch xong cách đây khoảng 10 ngày. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua lúa trúng mùa lại được giá cao như vậy".

Phấn khởi vì lúa được mùa trúng giá - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi về thị trường và giá

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo ông An, bà con nông dân ở địa phương chủ yếu làm lúa giống Nhật, ST và Đài thơm năng suất trung bình 8 - 9 tấn/ha. So với các năm trước, năm nay sản lượng tăng trên 100 kg/công, tương đương tăng khoảng 1 tấn/ha so với năm ngoái. "Năm nay năng suất cao, đặc biệt là nhờ mưa nhiều và thời tiết lạnh kéo dài thường xuyên hơn khiến thời gian sinh trưởng của cây lúa kéo dài thêm từ 5 ngày đến 1 tuần. Bên cạnh đó, do tôi chỉ làm 2 vụ nên đất được nghỉ ngơi. Chính vì vậy mà vụ này hạt lúa chắc, nặng ký và đẹp hơn mọi năm rất nhiều", ông An lý giải.

Về thị trường, ông An cho biết hiện giá lúa Nhật từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, Đài thơm khoảng 7.000 đồng/kg, các giống ST bình quân 6.500 - 7.000 đồng/kg. So với cùng kỳ nhiều năm thì giá lúa hiện tại đang cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Thêm một điều đáng mừng khác là giá phân bón vụ này giảm so với lúc đỉnh điểm năm ngoái. "Trong đó, phân u rê giảm khoảng 50% chỉ còn 480.000 đồng/bao (50 kg), phân kali giảm 30% còn 670.000 đồng/bao, phân lân cũng giảm nhẹ. "Nhờ nhiều yếu tố kết hợp cùng lúc nên vụ này nông dân trồng lúa có lời khoảng 30 - 40 triệu/ha; thậm chí có người lời đến 50 triệu đồng/ha, cao hơn giá thành sản xuất", ông An vui mừng.

Xuất khẩu đạt cao nhất kể từ năm 2021

Không chỉ giá lúa nội địa tăng mạnh, tình hình xuất khẩu gạo cũng rất lạc quan. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, xuất khẩu gạo ước đạt 900.000 tấn, trị giá 480 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 69% về lượng và 82% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% (tương đương 45 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái dù so với mức giá đỉnh (544 USD/tấn) của năm 2021 vẫn thấp hơn 13 USD/tấn. Lũy kế xuất khẩu gạo của VN trong quý 1/2023 đạt 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số lượng và kim ngạch cao nhất kể từ năm 2021 trở lại đây.

Đáng nói, từ ngày 27.3, khi có thông tin Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay thì thị trường gạo thế giới và VN vô cùng sôi động. Cụ thể tại VN, theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm liên tục tăng và hiện đạt mức 473 USD/tấn, cao hơn đến 25 USD so với cách đây một tháng. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Các loại gạo thơm, chất lượng cao ST và Đài thơm đang ở mức 650 - 700 USD/tấn tùy loại; nếp khoảng 550 USD/tấn, gạo thông dụng (gạo 5% tấm) 470 - 480 USD/tấn… 

Ở phân khúc cao, thị trường Trung Quốc vẫn chần chừ vì giá cao hơn mong muốn của họ 20 - 30 USD/tấn. Nhưng phân khúc gạo thông dụng đang lên ngôi vì nhu cầu nhập khẩu lớn từ Indonesia. Không chỉ phân khúc thông thường, nhu cầu lớn từ Indonesia cũng làm cho thị trường nhìn chung thêm tích cực.

Phấn khởi vì lúa được mùa trúng giá - Ảnh 2.

Nông dân hiện rất phấn khởi vì lúa được mùa được giá

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Intimex, đồng thời cũng là Phó chủ tịch VFA, nhận định thị trường gạo VN và thế giới năm nay sẽ rất khả quan. Nhu cầu thế giới đang rất cao với 3 yếu tố chính là Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Đầu tiên là Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch. Là quốc gia nhập khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng mấy năm qua, nước này đóng cửa chống dịch nên cần đảm bảo kho dự trữ. Chính vì vậy khi Trung Quốc mở cửa trở lại, giá gạo tự động sẽ tăng. Bên cạnh đó, Indonesia trước đây là khách hàng tiêu thụ gạo lớn trên thế giới cũng tăng mua trở lại. Vài năm gần đây, nước này nỗ lực tự cung tự cấp và giảm nhập, làm cho kho dự trữ của đất nước có dân số 275 triệu người liên tục sụt giảm mạnh.

"Chính vì vậy việc họ tuyên bố nhập khẩu 2 triệu tấn gạo thật sự không làm tôi ngạc nhiên", ông Nam nhận định. Ngoài ra, theo Phó chủ tịch VFA, nhu cầu của các thị trường như Philippines, châu Phi và nhiều nước khác cũng đang tăng cao khi phải tích cực bổ sung kho dự trữ lương thực trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn kinh tế và xung đột quân sự. Bên cạnh đó, các mô hình dự báo thời tiết cũng cho biết khí hậu đang chuyển sang trạng thái El Nino (nắng nóng), sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất lương thực trong thời gian tới nên các nước đang tăng mua bổ sung kho dự trữ.

Lo "hụt" sản lượng 7 triệu tấn

Thị trường thuận lợi nhưng theo tính toán của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều khả năng năm nay VN sẽ không đạt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo. Cụ thể, Indonesia có nhu cầu cao về gạo thông dụng nhưng hiện nguồn cung phân khúc này của VN rất hạn chế. Ông Nguyễn Văn Đôn lý giải nguyên nhân là những năm gần đây, VN đẩy mạnh sản xuất các loại gạo chất lượng cao hướng đến thị trường cao cấp và xây dựng thương hiệu. 

Thậm chí, mỗi năm VN nhập khẩu cả triệu tấn gạo thông dụng từ Ấn Độ về để đưa vào chế biến các mặt hàng ăn liền như bún, phở và một phần làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, Ấn Độ đang áp thuế 20% lên gạo xuất khẩu khiến nguồn cung bị hạn chế nên các đơn vị chế biến chuyển qua sử dụng gạo nội địa. "Theo ước tính của nhiều doanh nghiệp, sản lượng xuất khẩu năm nay của VN chỉ khoảng 6,3 - 6,5 triệu tấn", ông Đôn cho biết.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hà Nam thừa nhận mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn khó đạt được vì hiện tại sản lượng đang bị thiếu hụt. Nguyên nhân là do các năm trước, giai đoạn cuối năm xuất khẩu khó khăn, lượng tồn kho của các doanh nghiệp thường khoảng hơn 1 triệu tấn tính dồn qua năm sau. Năm 2022 lại khác, cuối năm xuất khẩu thuận lợi, doanh nghiệp không có tồn kho khi bước sang năm mới. Chính vì vậy sản lượng gạo có thể xuất khẩu của năm 2023 sẽ chỉ còn hơn 6 triệu tấn.

Dù vậy, các doanh nghiệp đều cho rằng không nên quá chú trọng đến vấn đề sản lượng vì trong năm nay giá đang rất tốt, có thể không đạt mục tiêu sản lượng nhưng vẫn đạt về giá trị. 

Cung gạo giảm, cầu tăng

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 lên mức 509,9 triệu tấn, thấp hơn niên vụ liền kề trước đó 0,8% do nguồn cung sụt giảm tại Trung Quốc, Mỹ, Pakistan và châu Âu. Cộng với lượng gạo tồn kho của năm trước, tổng nguồn cung gạo toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 khoảng 693,3 triệu tấn, thấp hơn đến 9,3 triệu tấn so với niên vụ trước đó.

Ở chiều ngược lại, tiêu thụ gạo thế giới được dự báo đạt kỷ lục 520 triệu tấn, tăng 2,8 triệu tấn so với dự báo hồi đầu năm và tăng 770.000 tấn so với niên vụ 2021 - 2022. Chính vì vậy, dự báo tồn kho gạo toàn cầu trong niên vụ này sẽ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ đạt 173,3 triệu tấn, giảm hơn 10 triệu tấn so với niên vụ 2021 - 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.