Nga là đối thủ
Ngân sách quân sự hằng năm của Phần Lan là khoảng 6 tỉ USD cho lực lượng vũ trang tại ngũ khoảng 23.000 người. Nhưng với hệ thống nghĩa vụ quân sự, Helsinki có thể mở rộng quân đội lên khoảng 280.000 quân nhân trong thời chiến, lấy từ số 900.000 quân dự bị thường xuyên được huấn luyện.
Phần Lan đã chi hơn 2% GDP cho quốc phòng, đáp ứng mục tiêu NATO đặt ra cho các quốc gia thành viên vào năm 2014. Con số này có thể sớm được tăng lên trong bối cảnh căng thẳng ngày càng sâu sắc với Nga.
Nga là nền tảng của hệ thống và hệ tư tưởng quân sự của Phần Lan. Việc bảo vệ đường biên giới dài hơn 1.000 km đầy rừng và đầm lầy là ưu tiên hàng đầu, khi Phần Lan đã bị Nga hay Liên Xô tấn công hơn 1 lần trong thế kỷ 20.
Theo một bảng xếp hạng toàn cầu, quân đội Phần Lan mạnh thứ 51 trên thế giới. Phần Lan có nhiều pháo hơn Đức và Pháp cộng lại, đồng thời sở hữu các đơn vị nhỏ có kỹ năng cao để chống lại đối phương mạnh hơn nhiều lần.
Xe tăng và pháo binh
Phần Lan có khoảng 239 xe tăng chủ lực, trong đó 179 chiếc được cho là sẵn sàng chiến đầu, gồm khoảng 100 chiếc Leopard 2A4 và Leopard 2A6 do Đức sản xuất.
Bên cạnh đó là hàng nghìn xe bọc thép, trong đó có hơn 100 xe chiến đấu bộ binh CV-90 do Thụy Điển sản xuất, được coi là một trong những xe chiến đấu bộ binh mạnh nhất thế giới.
Helsinki vượt trội về hỏa lực pháo binh. Phần Lan có hơn 100 khẩu pháo tự hành, trong số đó có 39 khẩu K9 Thunders do Hàn Quốc sản xuất. Phần Lan cũng có 29 Hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270, cùng với hệ thống HIMARS nổi tiếng.
Trên không và trên biển
Cùng với Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, Phần Lan hiện là một phần trên tiền tuyến NATO. Phần Lan có 55 chiếc F/A-18 Hornet do Mỹ sản xuất, được trang bị vũ khí tiên tiến của Mỹ như tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder và tên lửa không đối đất AGM-158 JASSM, sẽ bảo vệ ranh giới phía đông bắc của NATO.
Những chiếc F/A-18 của Phần Lan sẽ được thay thế bằng 64 máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ trong giai đoạn 2026-2030. Vùng Lapland của Phần Lan hiện cũng là khu vực huấn luyện không chiến lớn nhất châu Âu của NATO.
Phần Lan có đường bờ biển dài khoảng 4.440 km trên biển Baltic. Khi Phần Lan vào NATO, cũng như Thụy Điển đang làm thủ tục gia nhập, biển Baltic giờ đây có thể coi là "hồ NATO". Phần Lan có lực lượng hải quân lớn thứ 12 trên thế giới với hạm đội bao gồm 8 tàu tên lửa và 10 tàu quét mìn.
Căn cứ của NATO ở Phần Lan
Quân đội Phần Lan giờ đây sẽ phải từ bỏ tính trung lập và tự lực lâu đời.
Ông Matti Pesu, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, nhận định: "Điều quan trọng ngay từ đầu là lôi kéo thêm quân đội đồng minh tham gia các cuộc tập trận quốc gia của Phần Lan".
Giới chính trị gia ở Helsinki sẽ cần phải quyết định xem họ muốn gì từ liên minh mới.
Chuyên gia Pesu lưu ý thêm rằng Helsinki có thể sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của NATO trong khả năng phòng không và bảo vệ các tuyến đường vận chuyển quan trọng trên biển Baltic.
Người Phần Lan, mặc dù ủng hộ tư cách thành viên NATO, lại chưa nhất trí về việc đặt căn cứ NATO lâu dài tại đây. Vì vậy, việc triển khai tạm thời quy mô nhỏ hơn có thể là một giải pháp.
Bình luận (0)