Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phản đòn thế nào?

30/04/2023 19:00 GMT+7

Việc Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển gia nhập NATO sẽ làm thay đổi vĩnh viễn cấu trúc an ninh châu Âu cùng vị thế địa chính trị của Nga, và sẽ khiến Moscow có động thái đáp trả.

Ngày 4.4, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO sau khi được toàn bộ liên minh phê chuẩn. Việc gia nhập của Thụy Điển dù vẫn còn một số vướng mắc nhưng được cho là sớm muộn gì cũng sẽ hoàn tất. Nga chắc chắn coi đó là mối đe dọa an ninh và sẽ có biện pháp đối phó tương xứng.

Nỗi lo mới của Nga

Theo bài phân tích trên trang War on the Rocks của hai nhà nghiên cứu về Nga Nicholas Lokker và Heli Hautala thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS - Mỹ), với việc Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển gia nhập NATO, sườn tây bắc của Nga đối diện nguy cơ lớn hơn. Biên giới của NATO và Nga khi đó sẽ trải dài từ Bắc Băng Dương đến biển Baltic, nơi sẽ trở thành "cái hồ của NATO". Vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga tại Baltic sẽ bị bao quanh bởi các thành viên NATO. Ở trên bộ, lãnh thổ của NATO sẽ mở rộng đến gần bán đảo Kola và St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga, nằm bên bờ biển Baltic.

Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phản đòn thế nào? - Ảnh 1.

Việc Phần Lan gia nhập NATO đã làm biên giới NATO với Nga tăng thêm 1.340 km

NGUỒN: ABC

Nằm ở phía đông bắc của Na Uy và Phần Lan, bán đảo Kola có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia Nga. Đây là nơi đặt sở chỉ huy Hạm đội phương Bắc với các tàu ngầm hạt nhân giúp đảm bảo năng lực tấn công hạt nhân đáp trả, cùng các tàu ngầm tấn công nhanh và tàu chiến mang tên lửa hành trình. Thiệt hại đối với lực lượng quân sự phi hạt nhân của Nga tại Ukraine sẽ khiến Moscow gia tăng phụ thuộc vào lực lượng hạt nhân, qua đó càng thúc đẩy tầm quan trọng của bán đảo Kola. Ngoài ra, bán đảo nằm gần điểm kết của Tuyến đường biển phương Bắc, càng cho thấy an ninh của khu vực này sẽ là lợi ích sống còn của Nga trong những năm tới.

Phần Lan bổ sung sức mạnh quân sự gì cho NATO?

Trong một ấn phẩm của Bộ Quốc phòng Nga hồi cuối năm 2022, các tác giả khi đó nhấn mạnh việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO phải được coi là thách thức cấp bách nhất cho Nga bởi hai lý do. Thứ nhất, binh sĩ, vũ khí của NATO có thể sẽ được triển khai tại hai nước này. Thứ hai, NATO có thể sớm triển khai các tổ hợp tên lửa đến Phần Lan, đe dọa các khu công nghiệp quân sự tại vùng Arkhangelsk và cơ sở hạ tầng giao thông. Các tác giả cho rằng Nga nên chuẩn bị đối phó các nguy cơ bằng cách xây dựng lực lượng trong khu vực, lên kế hoạch tấn công chính xác tầm xa nhắm vào các mục tiêu tại hai nước Bắc Âu.

Nga nói gì sau khi Phần Lan gia nhập NATO?

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5.4 cho rằng việc Phần Lan gia nhập NATO tạo ra thêm mối đe dọa cho Nga, "buộc chúng tôi phải có biện pháp cần thiết để tái cân bằng hệ thống an ninh". Ông không nêu các bước cụ thể nhưng cho hay việc phản ứng của Nga sẽ là một quá trình cần thời gian. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ có biện pháp "quân sự - kỹ thuật" thích hợp tại biên giới nhằm ngăn chặn mối đe dọa an ninh quốc gia.

Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phản đòn thế nào? - Ảnh 4.

Xe quân sự của Thụy Điển trong cuộc tập trận với Phần Lan và NATO tại Na Uy năm 2022

REUTERS

Phản ứng của Nga

Vào tháng 12.2022 và tháng 1.2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã hé lộ về một số thay đổi nhằm đối phó mối đe dọa mới từ NATO. Theo đó, Nga sẽ thành lập một quân đoàn tại Cộng hòa Karelia thuộc Nga giáp Phần Lan trong giai đoạn 2023-2026, tái thiết lập các quân khu Moscow và Leningrad (tên gọi cũ của St. Petersburg) sau khi bãi bỏ quân khu miền tây.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá năng lực của Nga trong việc sử dụng các biện pháp quân sự quy ước để đối phó trong ngắn hạn là hạn chế. Lý do là Nga đang phải tập trung nguồn lực cho cuộc chiến tại Ukraine và gần đây có thông tin cho thấy Moscow phải chuyển lực lượng từ các khu vực khác đến Ukraine.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 430 có diễn biến gì nóng?

Do đó, lực lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò lớn hơn trong chiến lược của Nga cho đến khi lực lượng quân sự nói chung của nước này được tổ chức lại, quá trình có thể mất hơn 10 năm. Trên thực tế, sau những tổn thất của lực lượng phi hạt nhân tại Ukraine, Nga đã nâng cao tình trạng sẵn sàng của lực lượng hạt nhân tại phương bắc và được cho là đã điều nhiều oanh tạc cơ chiến lược đến bán đảo Kola trước cuộc diễn tập hạt nhân vào tháng 10.2022.

Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ phản đòn thế nào? - Ảnh 5.

Phần Lan bắt đầu xây hàng rào biên giới với Nga ngày 14.4

REUTERS

Về lâu dài, Nga có khả năng sẽ điều chỉnh bố trí lực lượng để đối phó sự hiện diện của NATO tại Phần Lan và Thụy Điển. Một nghiên cứu của Phần Lan gần đây cho rằng Nga sẽ gia tăng lực lượng gần Phần Lan nhưng do tổn thất tại Ukraine nên chưa thể tạo ra thay đổi lớn trước năm 2030.

Các biện pháp mà Nga sẽ thực hiện được dự đoán là tăng cường hệ thống phòng thủ chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) quanh bán đảo Kola và củng cố biên giới với Phần Lan gần St. Petersburg. Sau khi tái xây dựng lực lượng, Nga có khả năng sẽ hành động quyết liệt hơn tại Bắc Âu như thường xuyên tập trận trên không gần Phần Lan và Thụy Điển, gia tăng hoạt động của tàu chiến tại các vị trí án ngữ quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.