Phân loại theo nội lực

28/03/2017 06:18 GMT+7

Theo quy định hiện nay, hộ kinh doanh có từ 10 lao động hoặc có từ hai điểm kinh doanh trở lên thì phải chuyển lên doanh nghiệp. Thế nên mới có chuyện, nhiều bà chủ quán phở, hủ tiếu, mì vịt tiềm... lo ngay ngáy việc phải làm... giám đốc trong khi hàng ngàn, hàng vạn cơ sở kinh doanh có số thu lớn, lợi nhuận cao lại chưa bị “sờ” tới.
Ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành lớn trên cả nước, các hàng quán có trên 10 lao động là hết sức bình thường. Quán phở H. (Q.4) chỉ bán từ sáng đến 10 giờ trưa, mỗi ngày khoảng chục ký bánh cũng đang được vận động thành lập doanh nghiệp (DN) vì có ngót nghét 10 lao động. Bà S. chủ quán cho biết đã trả lời thẳng “không cho bán thì tôi nghỉ” chứ kiên quyết không làm... giám đốc. Bà S. phân bua không phải “chống lệnh” nhưng quán nào mà chẳng phải có người giữ xe, người thu tiền, người dọn bàn, người bưng bê, người rửa chén... Nói là 10 nhân viên nhưng doanh thu trồi sụt, ngày cao thì được đôi triệu đồng, ngày mưa gió, thời tiết ẩm ương thì vài trăm ngàn nên “chưa đủ trả công người làm mà DN cái gì”. Đó cũng là tình trạng của nhiều hàng, quán hiện nay.
Phải khẳng định rằng, chủ trương chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể lên thành DN là đúng đắn. Tuy nhiên để đạt hiệu quả, không nên ép theo số lượng người mà cần phải dựa vào nội lực của từng nhóm đối tượng. Cái này cán bộ thuế nắm rất rõ. Đơn cử như ở các sạp hàng trong chợ đầu mối trên địa bàn TP. Dù mỗi sạp chỉ rộng 1 - 2 m2 nhưng xuất hàng đi khắp cả nước, doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Chẳng thế mà cách đây hơn 10 năm, kết quả điều tra tình hình kinh doanh của tiểu thương chợ Bến Thành do Chi cục Thuế Q.1 (TP.HCM) tiến hành đã khiến nhiều người giật mình với mức giá sang nhượng một sạp bán hàng diện tích 1 x 1,5 m lên tới 350 lượng vàng.
Tại sao người ta có thể bỏ ra số tiền lớn như vậy cho vài mét vuông? Câu trả lời rất đơn giản, bởi lợi nhuận mang lại từ vài mét vuông đó. Chẳng riêng gì chợ đầu mối, các cơ sở may gia công, cửa hàng nữ trang, các quán nhậu... mở ra thành hệ thống 5 - 7 địa điểm. Doanh thu và lợi nhuận của nhóm này khá lớn nhưng bao năm nay vẫn “đóng vai” hộ kinh doanh cá thể, hằng tháng nộp thuế khoán vài trăm ngàn đến vài triệu đồng; ít hơn rất nhiều so với mức thuế mà một DN có thu nhập tương đương phải nộp. Nó không chỉ khiến nhà nước thất thu mà còn tạo sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Vì vậy, nên phân loại và khuyến khích, vận động nhóm này chuyển đổi thành DN.
Bên cạnh việc phân theo nội lực, một việc cực kỳ quan trọng là phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc chuyển đổi lên DN. Một khảo sát bỏ túi của người viết với những hộ kinh doanh cá thể cho thấy, điều họ sợ nhất khi thành lập DN là thủ tục giấy tờ, thanh - kiểm tra, báo cáo thuế... So với những cái lợi họ được “chào” rằng là DN sẽ được trừ chi phí hợp lý đầu vào, được sử dụng hóa đơn không hạn chế, nếu lỗ không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp… thì họ thà làm hộ kinh doanh cá thể cho lành. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ cả về thủ tục, chi phí, thuế... khi mới chuyển đổi lên DN là điều hết sức cần thiết mà cơ quan quản lý cần phải tính toán kỹ càng.
Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN. Hiện chúng ta có khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh cá thể trong đó có rất nhiều hộ thừa nội lực để chuyển đổi thành DN. Vấn đề còn lại là cách làm như thế nào để người dân tự nguyện chuyển đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.