Phan Mai Hương và ‘Chín vía gọi về’

21/03/2021 20:00 GMT+7

Chín vía gọi về - tập truyện gồm 11 truyện ngắn, dày 220 trang, là cuộc “chơi lớn” của nhà văn từ tỉnh Hòa Bình - Phan Mai Hương khi chị quyết định in và để một đơn vị ở TP.HCM độc quyền phát hành.

Tháng 5.2020, tôi có dịp lên Hòa Bình và được gặp nữ nhà văn Phan Mai Hương. Chị nguyên là cô giáo dạy văn trường chuyên, thạc sĩ Văn chương; là hội viên Các Hội VHNT Hòa Bình, VHNT các dân tộc thiểu số VN, Hội Nhà văn VN.
Tôi đã đọc Sóng đá (NXB Hội Nhà văn, 2016) của Phan Mai Hương. Đọc văn, đặc biệt trong chuyến đi ngược lòng hồ Hòa Bình cùng anh chị em văn nghệ sĩ, đến tận Sơn La, tôi hiểu đá có vị trí như thế nào trong đời sống của bà con các dân tộc. Lần này Phan Mai Hương giới thiệu với bạn yêu văn học tập truyện ngắn Chín vía gọi về (NXB Hội Nhà văn, quý 3/2020).
Vì sao Phan Mai Hương có truyện ngắn Chín vía gọi về, cũng là tên chung cho tập? Chắc chắn, từ vỉa tầng văn hóa. Một số dân tộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho rằng con người gồm hai phần, thể xác và linh hồn; trong đó linh hồn gồm “hồn” và “vía”. Vía được hình dung như phần trung gian giữa thể xác và hồn. Người Việt xưa cho rằng mỗi người đều có ba hồn, riêng nam có bảy vía và nữ có chín vía. Thường nam giới và các em gái chưa lập gia đình sẽ có 7 vía. Riêng phụ nữ đã có gia đình có thêm hai vía nữa để thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. 
Chín vía gọi về được Phan Mai Hương xếp đầu tiên trong tập truyện. Điều đó cho thấy vị trí của truyện ngắn này và tâm huyết của tác giả dành cho nó. Tác phẩm đưa bạn đọc đến với những huyền sử trong văn hóa Mường, bắt đầu từ câu chuyện về nàng Ả Cắng - con gái duy nhất của quan Lang, chuyện Mế Hoa và Thảo con gái của bà... ở Mường Yên Hạ. Chuyện mường, chuyện người trên đất mường với bao thần bí được Phan Mai Hương thiết kế nhiều tầng, giải quyết vấn đề thuộc về nhân sinh, nhân quả.
Với lối kể chuyện dung dị, Phan Mai Hương đưa người đọc đến với câu chuyện thần bí trên đỉnh núi Bài, nơi nàng Ả Cẳng đi tìm mẹ. Chính Ả Cẳng cũng như mẹ mình, đã ra đi không về. Ả Cẳng hóa thành đá núi. “Bây giờ ai lên đỉnh núi Bái sẽ thấy một tảng đá hình thiếu nữ nằm duỗi chân thảnh thơi giữa một vùng mây bay cuồn cuộn, gió thổi lồng lộng, khi trời quang mây tạnh nắng vàng như rót mật, có thể phóng tầm mắt nhìn ra tận biển”. Đẹp, huyền khẩu là vậy, “Nhưng ít ai biết phía dưới tảng đá đã chèn một lời nguyền, nếu không yêu nhau thật sự, lá cây lót xuống chiếu sẽ có tác dụng ngược trở lại, đứa con trong bụng người mẹ sẽ được trả về cho trời đất. Nếu ai bứng được rễ loài cây này về trồng sống được, sẽ nhận được phúc lành hái được hết cây cỏ của trời đất để làm nghề chữa bệnh cứu người”.
Chuyện cứ truyền từ đời này sang đời khác, ngay cả Mế Hoa, con gái bà Nàng Hon lang y trong vùng Yên Hạ lớn lên vẫn thắc mắc. Rồi Mế Hoa gặp Thảo, chữa bệnh cho Thảo và chứng kiến những biến cố đời sống tình cảm của cô giáo này, xung quanh một mối tình tay ba đầy toan tính. Phương lấy Liên, bạn gái của Thảo, phản bội lời hứa của chính mình.
Thì cuộc đời vẫn có những biến ảo khôn lường. Đến cây cỏ trên rừng cũng có thân phận, chưa nói đến người. “Người già ở bản còn nói, cây lá trên rừng thiêng lắm, có phải cứ hái tràn lan mà được đâu, mà nhà Mế Hoa có đến mấy chục đời hái lá trên rừng rồi. Chắc đến đời này ông trời cho tuyệt tự”.
Thân phận của các bà lang xứ Mường, số phận những con người trong các tuyến nhân vật, đan xen hạnh phúc và bất hạnh được đặt trên những huyền tích ở núi Bài, đèo Cô Tiên... Phan Mai Hương đã khéo léo đưa đến một thông điệp về nhân quả, về trách nhiệm của con người trước số phận mình. Sách nhà Phật dạy “Có nhân có quả”, luôn có ý nghĩa trong việc nâng niu các giá trị sống. 
Phan Mai Hương có mẹ là người Mường. Sinh ra ở Mường, lớn lên cùng Mường, ân nghĩa với Mường. Có thể nói, Phan Mai Hương cũng là một “pho" thư tịch về văn hóa Mường, một cộng đồng dân tộc có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời nhất trong 54 dân tộc anh em Việt Nam. 11 truyện ngắn trong Chín vía gọi về đều được đặt trong không gian văn hóa Mường, để thông qua tác phẩm chị gửi đến thông điệp về gìn giữ văn hóa bản địa.
Câu chuyện ở Đầm Beo trong truyện ngắn Giấc mơ đầu rồng mắt ngọc tiếp tục là tiếng nói cảnh báo về bảo tồn và phát triển. Đầm Beo, trong lòng nó chứa đựng nhiều huyền sử về cụ bà Trăm tuổi, về ngôi đền liên quan đến hậu duệ nhà Đinh của xứ Mường, thuộc về văn hóa tâm linh nhưng chịu số phận bị “bỏ quên” đến mức bị con người giành giật và trở thành “xóm liều”. Bây giờ Đầm Beo đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, thay vào đó là khu đô thị.
Vậy câu hỏi đặt ra liệu có thể nỡ phá hủy một vùng văn hóa để đổi lấy một khu đô thị ồn ào không ạ?”. May sao, trong hội thảo về số phận của Đầm Beo vẫn có tiếng nói, dù là cá biệt, trăn trở trước các giá trị văn hóa đang bị đe dọa.
Tôi bật tỉnh dậy và thấy mình đầm đìa mồ hôi, cái hội thảo khoa học ấy là một giấc mơ giữa ban ngày. Tôi vẫn mong cho Đầm Beo là khu đô thị, nhưng bây giờ tạm thời nó bị xé nhỏ ra cho người ta thuê để nuôi cá lồng. Đám cây lau sậy đã bị dọn sạch quang quẻ. Cả con ba ba thân mềm, lẫn trăn gió không có chỗ trú ngụ nữa”.
Văn hóa Mường đậm đặc trong những trang viết của Phan Mai Hương. Bản sắc, hương vị, bí hiểm của núi rừng, văn hóa tâm linh phảng phất, gần xa trong Hoang lạnh miền đồi, Đàn ong bay ngang... Cuộc sống, sinh hoạt của người giáo viên với tất cả hạnh phúc, bất an, tiêu cực ngoài xã hội “tấn công” vào giảng đường được Phan Mai Hương “thổi” vào trong hầu hết các truyện ngắn. Phan Mai Hương vốn là cô giáo dạy văn trường chuyên, dạy giỏi; trăn trở với nghề, với đời, với học sinh nên những trang viết của chị đầy ắp các mâu thuẫn giằng, néo. Giọng văn tự sự đưa người đọc đến với cả không gian và thời gian nhân vật đang sống, làm việc, mang đến nhiều cảm xúc mỹ học.
Ngoài những truyện ngắn đầy chất thế sự, là nhà văn nữ nên Phan Mai Hương hẳn nhiên viết về tình yêu. Các tuyến nhân vật trong các truyện ngắn là những đôi lứa yêu nhau, trao cho nhau đầy đủ các cung bậc hạnh phúc và đổ vỡ. Trong đó, Gió lùa qua vườn, Đi tìm dòng sông ánh màu hoa phượng... là những truyện ngắn gây nhiều thổn thức.
Hình như tình yêu không chỉ cần có lòng tốt, và cũng không thể giải thích được bằng lý lẽ. Hình như tôi cũng đang nhầm lẫn giữa lòng tốt và tình yêu. Tôi đã từng giày vò cái thân tôi cho bõ khổ sở khi tình đầu bị buông rơi. Tôi đã từng kiêu hãnh khi được nghe tình yêu van vỉ. Lúc lờ mờ nhận ra đã lầm lẫn thì tôi lại chặc lưỡi buông xuôi, khi nghĩ thiếp mời cưới đã phát ra hết rồi làm sao thu lại”. Câu hỏi về tình yêu, không chỉ của “chị”, “Ngố” - nhân vật kể chuyện trong Gió lùa qua vườn mà là câu hỏi của muôn người đang ở ngoài cuộc đời.
Phan Mai Hương ngoài đời là người cá tính. Văn của chị, vì thế mang “cá tính Phan Mai Hương”, từng câu gãy gọn, có phần “đanh đá”, “đời thực” nhưng không kém phần hấp dụ. Văn chương Phan Mai Hương đi ra từ chính cuộc đời.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.