Phân phối địa tô chênh lệch cho người bị thu hồi đất

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/05/2023 04:20 GMT+7

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị luật Đất đai sửa đổi cần tính toán điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch trong các dự án thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, bảo đảm hài hòa lợi ích.

ĐẢM BẢO HÀI HÒA LỢI ÍCH

Chiều 11.5, tiếp tục phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về luật Đất đai sửa đổi, dự kiến trình QH tại kỳ họp 5 khai mạc ngày 22.5 tới đây. Về nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (UBKT) QH do Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho hay dự thảo luật mới nhất đã có sự thay đổi lớn khi liệt kê tới 31 trường hợp thu hồi đất, chia làm 3 nhóm: thu hồi đất xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và để phát triển KT-XH vì lợi ích, quốc gia công cộng khác. Nội dung của điều luật này dài tới 4 trang.

Phân phối địa tô chênh lệch cho người bị thu hồi đất - Ảnh 1.

Trong xác định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Ngọc Dương

UBKT cho rằng phải cân nhắc quy định theo hướng liệt kê vì Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII năm 2022 về đổi mới chính sách pháp luật đất đai, yêu cầu quy định rõ điều kiện, tiêu chí cụ thể việc nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc liệt kê khó đảm bảo đầy đủ các trường hợp. Cạnh đó, trong các trường hợp thu hồi đất có cả "dự án nhà ở thương mại", khó xác định có thuộc phạm vi phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không. Việc quy định như dự thảo sẽ khó triển khai trên thực tế cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại theo Nghị quyết 18.

Phân phối địa tô chênh lệch cho người bị thu hồi đất - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Về định giá đất, mình chỉ quy định một câu là việc này theo nguyên tắc thế này rồi sau đó Chính phủ quy định thì lúc đó thẩm quyền hoàn toàn là của Chính phủ. Những vấn đề lớn nên đưa vào quy định trong này, còn lại mới giao Chính phủ hướng dẫn thì sẽ phù hợp hơn.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lại nêu quan điểm cần phải quy định cụ thể trường hợp nào là thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, trường hợp nào là thu hồi để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. "Từ trước đến giờ, chúng ta vẫn băn khoăn và nhiều ý kiến cũng cho rằng phải làm rõ khái niệm thế nào là thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, thế nào là để phát triển KT-XH, lợi ích quốc gia, công cộng, vì ngoài các trường hợp thu hồi này thì phải thỏa thuận", bà Nga nói.

Về quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở các dự án thu hồi đất, dự thảo luật mở rộng các hình thức bồi thường, ngoài bằng tiền, đất thì có bồi thường bằng nhà ở và loại đất khác. Tuy nhiên, UBKT đề nghị nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng loại đất khác với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương để bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi.

ĐỀ XUẤT BAN HÀNH BẢNG GIÁ ĐẤT 2 - 3 NĂM/LẦN THAY VÌ HẰNG NĂM

Liên quan bảng giá đất, tờ trình mới nhất của Chính phủ đã bỏ quy định về khung giá đất và quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1.1 hằng năm; đồng thời quy định việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ ngày 1.1.2026.

Tuy nhiên, theo UBKT, một số ý kiến cho rằng ban hành bảng giá đất hằng năm sẽ làm tăng chi phí, thủ tục, thời gian và nhân lực khi không có biến động về giá đất. Cùng đó, không phải tất cả các loại đất, khu vực nào cũng có biến động về giá, đồng thời đối với những khu vực có giá đất tăng cao sẽ không được điều chỉnh kịp thời. Từ đó, các ý kiến này đề nghị quy định 2 - 3 năm ban hành bảng giá đất, hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.

Ngoài ra, UBKT đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi của việc xây dựng bảng giá đất hằng năm để áp dụng từ ngày 1.1.2026. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thích hợp và có phương án linh hoạt trong trường hợp đến thời hạn trên vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng bảng giá đất hằng năm; nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, khó thu thập dữ liệu đầu vào.

"Trong xác định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi cần tính toán để điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch do thay đổi quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các dự án tạo ra cho người có đất thu hồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người bị thu hồi đất và lợi ích của nhà đầu tư", ông Thanh nêu.

Ngoài quy định trên, UBKT cũng đề nghị nghiên cứu quy định rõ trong dự thảo luật về quyền của người bị thu hồi đất tại các dự án phải được tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư. Cùng đó, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được xây dựng một cách thỏa đáng, được sự đồng thuận của người dân và được công khai trước khi có quyết định thu hồi đất. "Nếu phương án không được đại đa số cư dân khu vực thu hồi đồng ý cao thì phải giải trình, thay đổi phương án", ông Thanh nhấn mạnh.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Vấn đề nhận được nhiều quan tâm nhất, đồng thời được đánh giá là khó nhất trong dự án sửa đổi luật Đất đai, chính là định giá đất. Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật trình QH tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022) đã quy định "nguyên tắc, phương pháp định giá đất phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất, trong điều kiện bình thường". Đến dự thảo luật xin ý kiến nhân dân (đầu năm 2023) đã chỉnh sửa quy định "nguyên tắc, phương pháp định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường". Đến nay, dự thảo mới nhất chỉnh sửa, bổ sung thành "phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường".

Ông Thanh cho hay cơ quan thẩm tra nhìn nhận dự thảo luật quy định phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường là chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện yêu cầu của Nghị quyết 18 của T.Ư Đảng. Từ đó, UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo, làm rõ và đánh giá tác động cụ thể, nhất là tính khả thi của quy định, trong đó đề nghị đánh giá tác động KT-XH đến các đối tượng khác nhau nếu có sự thay đổi về phương pháp, cách thức định giá đất. Cùng đó, làm rõ "giá đất" hay "giá quyền sử dụng đất"; mối quan hệ giữa "giá đất" và "bảng giá đất"; quy định rõ ràng "các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất".

Đề xuất lãnh đạo tín nhiệm thấp phải từ chức trong thời hạn 10 ngày

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND. Trong đó, tại dự thảo Nghị quyết, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH đề xuất bổ sung thời hạn trong quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì trong thời hạn 10 ngày phải xin từ chức. Trường hợp trong thời hạn 10 ngày mà không từ chức thì QH, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình QH, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Cũng trong sáng 11.5, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc triển khai các nhiệm vụ giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các nghị quyết của Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực. Ngoài bộ máy hành chính tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, ông Phớc cũng thông tin, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức. Theo đó, từ năm 2020 đến tháng 6.2022, đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp.

Ông Thanh cũng cho hay một số ý kiến cho rằng dự thảo luật đã quy định nguyên tắc các phương pháp định giá đất và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất, đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo luật về nội dung các phương pháp định giá đất và trường hợp, nguyên tắc áp dụng phương pháp cụ thể để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cho ý kiến nội dung này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 18 của T.Ư Đảng như cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất, đầu cơ đất… cần phải được rà soát một lần nữa để hoàn thiện dự án luật sâu sắc hơn.

Riêng đối với vấn đề định giá đất, Chủ tịch QH nói là vấn đề "đại sự, người dân, doanh nghiệp rất quan tâm". Do đó, cần phải được quy định trong luật để người dân, doanh nghiệp còn biết chứ không thể chỉ ghi một câu là giao cho Chính phủ. "Mình chỉ quy định một câu là việc này theo nguyên tắc thế này rồi sau đó Chính phủ quy định thì lúc đó thẩm quyền hoàn toàn là của Chính phủ. Những vấn đề lớn nên đưa vào quy định trong này, còn lại mới giao Chính phủ hướng dẫn thì sẽ phù hợp hơn", Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói và cho rằng không chỉ giá đất mà nhiều nội dung lớn khác cũng phải được quy định cụ thể hơn trong luật.

Phân phối địa tô chênh lệch cho người bị thu hồi đất - Ảnh 6.

Nghị quyết T.Ư về đổi mới chính sách pháp luật đất đai, yêu cầu quy định rõ điều kiện, tiêu chí cụ thể việc nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng

Ngọc Dương

Giải trình cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đồng tình cần phải quy định rõ phương pháp, nguyên tắc vào trong luật như ý kiến của Chủ tịch QH và nhấn mạnh "sẽ nghiêm túc tiếp thu".

"Báo cáo thật với Chủ tịch, nguyên tắc thị trường đã được khẳng định trong Nghị quyết 18 nhưng để thực hiện thì quan trọng nhất phải có giá (thị trường). Thứ nữa là phải thu thập được cơ sở dữ liệu đất đai. Như vậy, chúng tôi xin tiếp thu và sẽ quy định rõ nguyên tắc, phương pháp định giá đất gắn với cơ sở dữ liệu đất đai. Không có cơ sở dữ liệu thì không có cách nào định giá theo nguyên tắc thị trường được", ông Hà nêu. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.