Phấn son tô điểm sơn hà: Nhà báo Như Quỳnh và báo 'Tiếng gọi phụ nữ'

25/10/2022 07:06 GMT+7

Cuối năm 1945, bà Như Quỳnh (1923 - 2017) được cử tham gia sáng lập báo Tiếng gọi phụ nữ. Bước đường làm báo chuyên nghiệp của bà bắt đầu từ đây.

Thoắt vậy mà đã 5 năm ngày bà Như Quỳnh về cõi vĩnh hằng. Sinh thời, cứ dịp 30.4 - 1.5 hằng năm, có dịp ra an dưỡng tại khu cán bộ lão thành cách mạng (Đại Lải, Phúc Yên, Vĩnh Phúc), bà vẫn gọi điện hẹn tôi theo bà đi chơi.

Bà Như Quỳnh tên khai sinh là Võ Thị Ngọc, là con gái út của cụ cử Võ Hoành, một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, cùng các cụ Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí... Không đỗ đạt trong khoa cử, nhưng với kiến thức thực học của mình, cụ Võ Hoành vẫn được mọi người tôn kính như một ông cử nhân và gọi cụ Cử Hoành. Tham gia Đông Kinh nghĩa thục, cụ Võ Hoành bị thực dân Pháp xử án chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo rồi được ân xá đưa về an trí tại Sa Đéc (Đồng Tháp).

Lên 6 tuổi được học chữ Nho với cha, năm 14 tuổi bà Như Quỳnh xa nhà lên Sài Gòn học rồi thoát ly hoạt động cách mạng. Tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái” ở trường Tây, cụ thể là Trường Áo Tím (tên Tây là Collège des Jeunes Filles Indigènes), trường trung học cho nữ sinh bản xứ, nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), giúp bà sống tự lập giữa cuộc đời, khảng khái.

Nhà báo Như Quỳnh (trái) và nhà báo Huỳnh Bội Hoàn

Tư liệu gia đình

Mỗi lần đi chơi, ngồi trên ô tô, câu chuyện câu trò giữa hai bà cháu làm quãng đường như ngắn lại. Nhiều công tác bà đã trải qua, từ báo Tiếng gọi phụ nữ, báo Cứu quốc khu 2, cho đến khi về báo Phụ nữ Việt Nam mà bà tự nhận là người may mắn được cử làm tổng biên tập đầu tiên. Con đường từ Sài Gòn ra Hà Nội làm báo chầm chậm trở về trong hồi ức của bà...

Cách mạng tháng Tám, rồi tiếng súng Nam bộ kháng chiến chuẩn bị phát nổ. Bà Như Quỳnh được ông Hoàng Quốc Việt, đặc phái viên của Trung ương, cử ra Bắc mang tài liệu của Xứ ủy Nam kỳ báo cáo tình hình với Trung ương Đảng. Thời gian này, ông Lê Hữu Kiều, chồng bà, nhận công tác tại báo Cờ giải phóng rồi Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Sự thật. Bà cũng được cử làm người sáng lập báo Tiếng gọi phụ nữ. Bước đường làm báo chuyên nghiệp của bà bắt đầu từ đây. Bà Như Quỳnh nhớ lại thời gian cổ động bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.

Trong bài “Phụ nữ có thể bầu phiếu và có đại biểu trong Quốc hội”, báo Tiếng gọi phụ nữ nhấn mạnh: Nền độc lập đã giành được. Chị em ta đã sống một kỷ nguyên mới. Mới nhất là quyền ứng cử và bầu cử.

Lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam dùng lá phiếu chọn người thay mặt vào Quốc hội. “Thế là hai nguyên tắc dân chủ và nam nữ bình quyền được thực hiện”. Nhưng, không ít người vin vào lý do dân Việt Nam lúc đó “98% dân ta dốt, không biết chọn đại biểu” và ai là người tự xét đủ tài đức để ra ứng cử?

Báo Tiếng gọi phụ nữ đáp lại: “Biết chữ vẫn là một điều cần nhưng không phải vì chị em ta dốt mà ta không bầu cử được vì không biết chữ không phải là ngu xuẩn”. Diễn đàn của chị em phụ nữ nhấn mạnh: “Chị em ta dốt nhưng chị em ta tinh, biết người biết của lắm”. Phụ nữ Việt Nam khi đó không biết chữ nhưng họ hiểu rằng chỉ có đại biểu phụ nữ mới bênh vực được quyền lợi phụ nữ.

Vì thế, báo Tiếng gọi phụ nữ tiếp tục hô hào: Chị em sửa soạn đi bỏ phiếu: “Trong ngày Tổng tuyển cử sắp tới đây, chị em bạn gái Việt Nam sẽ làm trọn nhiệm vụ một người công dân để tỏ cho phụ nữ các nước văn minh trên thế giới biết rằng chúng ta không kém gì họ và cũng tha thiết nghĩ tới nền độc lập của nước nhà như nam giới”.

Tờ báo này còn tổ chức các cuộc phỏng vấn trước Tổng tuyển cử các ứng cử viên nữ là các bà Nguyễn Thị Thục Viên - giáo sư trường nữ học Đồng Khánh (Hà Nội), nhà thơ Vân Đài, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, bà Cao Thị Khương...

Bà Đoàn Tâm Đan, giáo sư tư thục, nói về chương trình hoạt động của mình khi tham gia ứng cử ở Hà Nội đã phê phán kiểu cách làm việc của những nghị viên nói nhiều làm ít. Bà mong muốn nam nữ bình quyền trước pháp luật mà cụ thể là gia tài chia đều, bãi bỏ chế độ đa thê, bỏ tục nam tôn nữ ti để cho các con trai hay con gái đều đi học như nhau; ngoài xã hội thì bảng lương phụ nữ ngang bằng với lương nam giới, vẫn hưởng lương khi nghỉ sinh đẻ và hưởng trợ cấp khi không may gặp tai nạn, đau ốm... (còn tiếp)

Sau 4 năm đi học nâng cao kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ chính trị bên nước bạn, năm 1958, bà Như Quỳnh lại trở về báo Phụ nữ Việt Nam. Năm 1960, bà giữ chức Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam. Mười năm làm tổng biên tập báo, bà tự hào rằng cùng với báo Tiền phong (Tổng biên tập Nguyễn Thanh Dương), thì Phụ nữ Việt Nam ngày ấy là tờ báo sống được bằng tự thu chi hạch toán, nhà nước không phải bao cấp.

Phấn son tô điểm sơn hà

Dược sĩ Đỗ Thị Thao - chẳng cần đổi phận làm trai

Bà “tổng đốc” tại Đại hội Quốc dân Tân Trào

Thành viên nữ đầu tiên trong Chính phủ

Hoàng Hương Bình - Chủ bút nhật báo Quốc hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.