Pháo hoa rực sáng đêm giao thừa ở Nam Định

22/01/2023 09:21 GMT+7

Dù có lệnh cấm, chính quyền đã vận động, tuyên truyền nhưng tại Nam Định vẫn có tình trạng một số người dân đốt pháo không nằm trong danh sách các loại pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất trong đêm giao thừa Quý Mão 2023.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trước và sau thời khắc giao thừa năm Quý Mão 2023, một số xã tại khu vực H.Nghĩa Hưng (Nam Định) vẫn có tình trạng một số người dân đốt pháo hoa nổ trái phép.

Pháo hoa nổ trên bầu trời H. Nghĩa Hưng

Đình huy

Đây là năm thứ hai người dân được phép mua, sử dụng các loại pháo không nổ của Nhà máy Z121 (Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 thuộc Bộ Quốc phòng) sản xuất, nhưng tình trạng sử dụng pháo trái phép vẫn diễn ra.

Ông Trần Hải Triều, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, cho biết trước tết Nguyên đán, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, sử dụng, tàng trữ các loại pháo nổ. Đồng thời, lực lượng công an xã cũng thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát trên địa bàn xã để phát hiện xử lý nếu xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép.

Theo ông Triều, tình trạng đốt pháo trái phép năm nay tại xã đã giảm rõ rệt so với những năm trước do người dân chuyển sang sử dụng pháo hoa của Nhà máy Z121 sản xuất. Tuy nhiên, lợi dụng thời khắc giao thừa, một số người dân ở khu vực giáp ranh vẫn tranh thủ đốt pháo hoa nổ tại khi không có lực lượng chức năng.

Các mức phạt hành vi đốt pháo trái phép

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo: theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo trái phép là từ 5 - 10 triệu đồng.

Trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm về sử dụng pháo: xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng. Căn cứ điều 318 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào sử dụng pháo gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đối với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Xử lý theo hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ: theo quy định tại điều 305 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 - 5 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.