Pháp luật còn chồng chéo, nhiều vướng mắc: 'Làm theo luật này thì đúng, luật khác lại sai'

13/06/2024 07:00 GMT+7

Hệ thống pháp luật còn chồng chéo, nhiều vướng mắc, áp dụng không thống nhất đang là nguyên nhân chính gây ra ách tắc, trì trệ ở nhiều cấp, nhiều ngành. Cán bộ không dám làm, dám quyết khi pháp luật không quy định, trong khi các cơ quan thanh, kiểm tra và cả điều tra chỉ dựa vào những gì đã được pháp luật quy định...

1 M2 RỪNG CŨNG XIN THỦ TƯỚNG

Thôn Làng Bang, nơi sinh sống của hơn 80 hộ dân tộc người Dao, là thôn đặc biệt khó khăn của xã Đại Sơn (H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Nằm sâu trong khu vực rừng núi, địa hình hiểm trở, nên nhiều năm nay Làng Bang vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Người dân trong thôn phải sử dụng điện từ máy phát điện công suất nhỏ cho các sinh hoạt thiết yếu. Năm 2022, xã Đại Sơn đề nghị công nhận xã nông thôn mới nhưng "trượt" vì vướng tiêu chí điện của thôn Làng Bang.

Pháp luật còn chồng chéo, nhiều vướng mắc: 'Làm theo luật này thì đúng, luật khác lại sai'- Ảnh 1.

Máy phát điện bằng sức nước đang được sử dụng cho điểm trường mầm non tại thôn Làng Bang, xã Đại Sơn, H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Ảnh: CTV

Cô Bế Thu Hoài, giáo viên mầm non tại điểm trường Làng Bang, cho hay việc sử dụng điện từ nguồn nước tự nhiên gặp rất nhiều bất tiện, khó khăn. Những hôm mưa to, có lũ thì máy phát điện có thể bị cuốn trôi, hỏng hóc, còn vào mùa cạn thì nguồn nước ít, không đủ vận hành máy. Để sử dụng điện, người dân tốn kém từ máy móc, dây dẫn nước cho tới công sức kéo dây, song dòng điện chập chờn khiến các thiết bị thiết yếu cho sinh hoạt như bóng điện, tủ lạnh dễ hư hỏng hơn.

Dự án kéo điện lưới vào thôn Làng Bang cũng đã được tính toán từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa thể triển khai. Theo ông Lưu Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND H.Văn Yên, dự án vướng không phải ở nguồn vốn mà ở… đất chôn cột điện. Để kéo điện lưới có sẵn vào thôn Làng Bang, với khoảng cách 10 km cần phải chôn khoảng vài chục cột điện. Ngặt nỗi vị trí để chôn cột điện lại nằm trong diện tích quy hoạch rừng tự nhiên. Mỗi cột điện chỉ cần chừng vài m2 đất rừng, song theo quy định tại luật Lâm nghiệp, chuyển đổi mục đích một mét rừng tự nhiên cũng cần trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Kinh nghiệm từ các dự án khác đã triển khai trên địa bàn huyện, theo ông Lưu Trung Kiên, từ khi rậm rịch để báo cáo đến lúc Thủ tướng ký ban hành quyết định chuyển đổi mục đích rừng mất gần 2 năm.

"Các lãnh đạo Sở Công thương báo lại là nếu trình Thủ tướng thì lâu quá", ông Lưu Trung Kiên nói. Sau khi khảo sát thấy vướng rừng thì Sở Công thương cũng dừng lại để tìm phương án tốt hơn nên dự án kéo lưới điện vào thôn Làng Bang tới nay vẫn nằm trên giấy.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội (QH) cuối năm ngoái, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói ông "thật sự rùng mình" khi bí thư một tỉnh miền núi phía bắc đã nắm tay ông cảm ơn vì Chính phủ đã giải quyết việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm công trình đường giao thông trọng điểm cho địa phương. "Đồng chí này nói qua 24 lần thực hiện quy trình, thủ tục, văn bản hành chính cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng cho dự án mới được giải quyết", ông Quang cho hay tại hội trường Diên Hồng.

Hai năm với 24 lần thực hiện quy trình, thủ tục trong khi nguồn vốn có sẵn (nhưng cũng bị ràng buộc bởi rất nhiều quy trình, thủ tục) đã làm ách tắc không ít dự án, không chỉ riêng Yên Bái. Đại biểu (ĐB) Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) khi góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi hồi năm ngoái đã thẳng thắn cho biết nhiều quy định "như ở trên mây, "bức tử" các vấn đề của địa phương cần giải quyết".

Luật Đất đai từ năm 2013 đã phân cấp cho phép HĐND cấp tỉnh được quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và dưới 10 ha đất lúa. Với diện tích lớn hơn, phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng. Tuy nhiên, luật Lâm nghiệp 2017 lại quy định HĐND cấp tỉnh chỉ được quyết định chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha (không có thẩm quyền chuyển đổi mục đích rừng đặc dụng).

Hai quy định cùng về thẩm quyền chuyển đổi mục đích đất rừng nhưng lại không thống nhất trong khái niệm, cách phân loại và tiêu chí về diện tích đã dẫn tới tình cảnh "làm theo luật này thì đúng, luật khác thì sai", gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là tại địa phương. Đáng nói, ngay tại khoản 2 điều 14 luật Lâm nghiệp 2017 về nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, quy định: "Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt".

Chính quy định "một mét vuông rừng tự nhiên cũng phải được Chính phủ phê duyệt" đã làm ách tắc không ít dự án, kể cả khi chỉ "đụng" đến vài chục mét vuông rừng như dự án kéo lưới điện cho hơn 80 hộ dân thôn Làng Bang. "Tỉnh, huyện cũng không dám làm trái luật. Chưa có quyết định của Thủ tướng mà ông nào thò vào đi tù ngay. Vẫn phải đợi và kiến nghị lên trên thôi, không làm cách nào khác được", Phó chủ tịch UBND H.Văn Yên Lưu Trung Kiên nói.

XỬ LÝ XONG VẪN VƯỚNG

Câu chuyện "một mét vuông rừng chôn cột điện cũng phải xin Thủ tướng" nói trên chỉ là một trong số hơn 60 bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai đã được nhận diện sau cuộc tổng rà soát văn bản pháp luật được Chính phủ thực hiện theo Nghị quyết 101 hồi tháng 5.2023 của QH và được báo cáo QH tại kỳ họp 6 vào tháng 10 cùng năm.

Pháp luật còn chồng chéo, nhiều vướng mắc: 'Làm theo luật này thì đúng, luật khác lại sai'- Ảnh 2.

Việc phát triển thủy điện tại Điện Biên từng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu thống nhất trong quy định

Ảnh: TTXVN

May mắn là 61 vướng mắc, bất cập nói trên đã được xử lý khi QH thông qua luật Đất đai sửa đổi năm 2024 cùng với các luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở. Riêng với chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, luật Đất đai 2024 đã dành riêng điều 248 để sửa một số điều của luật Lâm nghiệp 2017. Theo đó, điều 248 luật Đất đai 2024 đã sửa đổi quy định về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại luật Lâm nghiệp, giao cho HĐND cấp tỉnh được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trừ các dự án thuộc thẩm quyền của QH, Thủ tướng.

Với quy định "không được phép chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên khi chưa được Chính phủ phê duyệt", luật Đất đai 2024 cũng sửa đổi khoản 2, điều 14 luật Lâm nghiệp. Theo đó, quy định Chính phủ thay vì cho phép từng dự án sẽ quy định tiêu chí các dự án cấp thiết được phép chuyển đổi dự án rừng tự nhiên và giao thẩm quyền quyết định cho HĐND các địa phương.

Các quy định tại điều 248 luật Đất đai 2024 về sửa đổi luật Lâm nghiệp 2017 sẽ có hiệu lực từ 1.4, tức là từ hơn 2 tháng trước. Tuy nhiên, tới nay, khi Chính phủ đang trình QH để cho phép luật Đất đai cùng 3 luật liên quan có hiệu lực sớm từ ngày 1.8 tới đây thay vì phải đợi tới 1.1.2025 như trước, thì quy định đã có hiệu lực từ 1.4 vẫn chưa thể triển khai trên thực tế.

Ông Lưu Trung Kiên cho hay dù việc sửa quy định tại luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1.4 nhưng tới nay Chính phủ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về tiêu chí các dự án cấp thiết được phép chuyển đổi dự án rừng tự nhiên nên trên thực tế các địa phương vẫn chưa biết mình được thẩm quyền quyết định chuyển đổi đất rừng cho những dự án nào. "Phải có tiêu chí theo hướng dẫn của Chính phủ thì địa phương mới có thể xác định được dự án, công trình nào HĐND cấp tỉnh có thể phê duyệt", ông Kiên nói và cho biết thêm dù chưa thể kéo điện lưới vào Làng Bang, năm nay dự kiến huyện sẽ đề xuất để xã Đại Sơn được công nhận nông thôn mới. Quy định tiêu chuẩn nông thôn mới chỉ là có điện sử dụng ổn định chứ không nhất thiết phải có điện lưới. "Dự án kéo điện lưới thì huyện cũng sẽ đề xuất tỉnh đầu tư để kéo điện lưới cho bà con. Thế mới căn cơ, lâu dài", ông Kiên nói.

Theo lời ông Lưu Trung Kiên, xã Đại Sơn có thể đạt nông thôn mới trong năm 2024. Thế nhưng hơn 80 hộ dân ở thôn Làng Bang vẫn chưa thể sử dụng nguồn điện ổn định từ điện lưới quốc gia khi mà những chiếc cột điện cuối cùng vẫn phải chờ quyết định của Thủ tướng. (còn tiếp)

Đừng để "ném đá ao bèo"

TS Cao Vũ Minh, Trưởng bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), cho rằng cần có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng và chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bất cập, chồng chéo, thậm chí là trái luật; phải truy trách nhiệm từ cơ quan chủ trì soạn thảo đến đơn vị tham mưu, giúp việc. Một thông tư bất cập, trái luật đương nhiên phải có trách nhiệm của bộ trưởng - người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, chứ không thể xử lý theo kiểu "tại anh đánh máy"; tiếp đó là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.

Cuộc rà soát vừa qua của QH và Chính phủ đã chỉ ra hàng trăm nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Cần phải xem xét nguyên nhân là gì, ngoài yếu tố khách quan liệu có sai sót mang tính chủ quan của người đứng đầu, tham mưu hay không, nếu có thì xử lý thế nào. "Nếu không tính đến chuyện này, việc rà soát sẽ chỉ như ném đá ao bèo, bèo sau đó vẫn tụm lại như cũ", ông Minh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.