Bất động sản nghỉ dưỡng ồ ạt phát triển dù thiếu khung pháp lý
Diễn đàn Đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và cơ hội được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 22.6 đã thu hút hàng ngàn người tham dự.
Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI, thị trường bất động sản đang trên đà tăng trưởng. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới. Tiềm năng phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất lớn bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao, cảnh quan thiên nhiên đẹp.
Ông Thành cũng cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 2 năm 2018 và 2019 sẽ có khoảng 40.000 căn hộ condotel được mở bán. Sự phát triển bùng nổ các dự án này đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, làm thay đổi diện mạo ngành
du lịch của nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, từ nửa cuối 2017, cùng với các dự án căn hộ condotel, biệt thự du lịch thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện thêm nhiều sản phẩm như nhà phố thương mại kết hợp kinh doanh và lưu trú hoặc khu phức hợp nghỉ dưỡng du lịch quy mô lớn có casino, công viên, sân golf…
Tăng trưởng của ngành du lịch đã kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lan rộng khắp cả nước. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng phát triển ồ ạt, nhất là ở các ven biển như Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, Thanh Hóa, Bình Định, Đà Nẵng… đến các dự án tại các thành phố du lịch và miền núi như Hà Nội, Đà Lạt, Sa Pa, TP.HCM…
Trước sự phát triển nóng như vậy, điều mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lo lắng là hiện nay hành lang pháp lý về các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chưa định hình rõ là bất động sản để ở hay kinh doanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Gần đây, chính sách tín dụng siết chặt hơn khiến giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng có biểu hiện chậm lại nhưng về tiềm năng lâu dài, đây vẫn là mảng đầu tư hấp dẫn. Nguyên nhân, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở nước mới chỉ là ban đầu, nhu cầu nhiều mà đáp ứng chưa nhiều.
Ông Đỗ Huy Hoàng, đại diện
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết trong năm 2018 có cả chục ngàn căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại các địa phương có cơ hội đầu tư du lịch nhiều ,trong đó Quảng Ninh chiếm đến 19%, Đà Nẵng 14%, Khánh Hòa hơn 26%... Năm 2018 có đến hơn 7.800 căn hộ được giao dịch, tỷ lệ hấp thụ hơn 92%.
Dự báo nửa cuối năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, tiềm năng còn rất lớn do nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Thứ hai, Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện một số loại hình du lịch nghỉ dưỡng mới như du lịch tham quan, du lịch chữa bệnh, du lịch kết hợp hội thảo hội nghị, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhìn nhận khung pháp lý của Việt Nam vẫn “lạc hậu” so với sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng. Điều này thể hiện, năm 2015 khi hoàn thiện về luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản thì chưa có bất kỳ một sản phẩm condotel nào xuất hiện trên thị trường nhưng năm 2017 đã có hàng loạt. Vì vậy, các nhà đầu tư kỳ vọng sớm có khung pháp lý rõ ràng.
Bất động sản nghỉ dưỡng là công trình đa năng
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nêu quan điểm, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như căn hộ
condotel, shophouse, shopvilla về bản chất vẫn là công trình đa công năng. Theo GS Võ, một công trình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có thể dùng để ở, cho thuê dài hạn, cho thuê lưu trú ngắn ngày, làm văn phòng…
Do vậy, GS Võ khuyến nghị, giải pháp cần làm là hãy bổ sung các quy định vào luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản về phương thức quản lý các bất động sản đa công năng.
Nhiều người tỏ ra tâm đắc với ý kiến của GS Đặng Hùng Võ Ảnh Lê Quân
|
Về đất đai, cho phép các chủ đầu tư dự án bất động sản có mục tiêu phục vụ kinh doanh du lịch được quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất lâu dài gắn với nộp tiền sử dụng đất ở hoặc hình thức sử dụng đất có thời hạn gắn với nộp tiền thuê đất kinh doanh - dịch vụ, tương ứng với từng phần diện tích đất đai phù hợp của dự án.
Về quản lý bất động sản, cần đưa quy định về nguyên tắc chấp nhận một số công năng được phép và yêu cầu đối với các bất động sản đa công năng.
Tất nhiên, khi pháp luật được sửa đổi, bổ sung thì bao giờ cũng có các điều khoản chuyển tiếp, tức là các quy định xử lý đối với các dự án condotel đã được phê duyệt, các căn hộ tại condotel đã được cấp Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và nhà gắn liền.
Vì vậy,
GS Đặng Hùng Võ đề xuất, cách thức phù hợp là cho phép các chủ đầu tư dự án được lựa chọn phần diện tích được sử dụng đất lâu dài và phần diện tích được thuê đất có thời hạn. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và giấy chứng nhận đã cấp phải được điều chỉnh theo các phần diện tích đã chủ đầu tư dự án lựa chọn.
“Chỉ có cách làm này mới đảm bảo condotel phát huy được hết thế mạnh bản chất của loại hình bất động sản này”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Thừa nhận tình trạng khung pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Đỗ Huy Hoàng, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết một số quy định không rõ ràng.
Hiện, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét dự kiến sửa luật Đất đai nên thời gian để tính pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng đương nhiên sẽ chậm lại. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đang bị siết chặt hơn.
Đồng thời, mới đây, Chính phủ đã có chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)...
Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định trong Thông tư 02.2016.TT-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư; các quy chuẩn về xây dựng, quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel… Dự kiến cuối năm 2019 sẽ ban hành.
Bình luận