Hiện nhà vườn các tỉnh thành ĐBSCL khẩn trương chuẩn bị nhiều loại hoa kiểng phục vụ thị trường tết. Năm nay lũ lớn hoành hành trên diện rộng làm cho nhiều vườn hoa bị thiệt hại, cộng với thời tiết bất lợi khiến người trồng hoa gặp khó khăn.
>> Đường hoa - đường văn hóa
>> Hoa, kiểng "đội giá
>> Đi chợ đầu mối mua hoa Tết giá rẻ
Lao đao vì lũ lớn
Đã từ lâu, H.Chợ Lách (Bến Tre) được nhiếu người tôn vinh là “Vương quốc hoa kiểng”, mỗi năm nhà vườn ở đây cung cấp cho thị trường khắp nơi khoảng 10 triệu chậu hoa kiểng các loại, trong đó 50% sản lượng dành phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay mọi chuẩn bị của người dân không được như mong muốn, bởi triều cường và lũ lớn làm đảo lộn tất cả. Ông Nguyễn Văn Vấn (ở xã Long Thới) thở dài: “Hơn 1.000 chậu cúc mâm xôi của gia đình tôi đang phát triển tốt thì bị triều cường kết hợp với lũ lớn ập đến gây ngập, làm thiệt hại gần phân nửa. Số còn lại tôi phải nâng giàn di dời lên cao tránh lũ, chấp nhận tốn kém chi phí”. Không riêng gì ông Vấn, nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng khác quanh đây cũng chịu chung số phận. Những hộ bị ngập lũ không di dời kịp coi như thua trắng, tết năm 2012 không có hoa để bán. Theo Phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, các đợt triều cường vừa qua đã làm ngập gần 6.000 ha hoa kiểng và vườn cây ăn trái. Ngành nông nghiệp đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và nhà vườn tăng cường gia cố đê bảo vệ nhưng nước lũ quá lớn nên nhiều vườn hoa kiểng không thể chống đỡ nổi.
|
Tại Đồng Tháp, hàng loạt vườn hoa kiểng cũng bị cuốn trôi theo lũ. Ông Mai Văn Xuân (ở P.Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc), chua chát: “Gia đình tôi đầu tư lớn trồng hơn 10.000 chậu cúc tiger bán tết. Thấy lũ về, cả nhà túc trực ngày đêm gia cố đê, bơm rút nước... nhưng cuối cùng vẫn thúc thủ bởi nước lũ quá lớn nhấn chìm tất cả. Bây giờ lũ đi qua, vườn hoa cũng hết sạch, hàng chục triệu đồng tiêu hết không còn”. Đồng cảnh ngộ trên, bà Tư Thu ở làng hoa thị xã Sa Đéc rầu rĩ: “Gần 30 triệu đồng dồn hết vào 3.500 chậu cúc Đài Loan và cúc tiger bán tết. Lũ vừa lên là đã mua tre, trúc, cừ tràm… kê kích giàn hoa lên cao 3 – 4 tấc. Thế nhưng lũ lớn vẫn làm ngập ngấp nghé, cộng với tàu ghe chạy nên bị sóng đánh trôi mất hơn 200 chậu”. Nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng ở Đồng Tháp thừa nhận, gần 10 năm trở lại đây mới có 1 trận lũ lớn làm ngập hoa kiểng trên diện rộng. Một phần do bất ngờ, chủ quan, một phần do thiếu điều kiện bảo vệ; vì vậy nhiều vườn hoa kiểng đành “lỡ hẹn” trong dịp tết.
Nguy cơ thiếu nguồn cung
Ông Phạm Anh Dũng, Phó phòng Kinh tế thị xã Sa Đéc, cho biết lũ lớn vừa qua đã làm ngập trên 285.000 chậu hoa các loại, trong đó 160.000 chậu mất trắng 100%; hơn 500 cây kiểng và 5,5 ha kiểng công trình bị lũ nhấn chìm, thiệt hại khoảng 1,3 tỉ đồng. Trong khi đó, nhiều nhà vườn cũng cho biết số hoa kiểng của họ bị thiệt hại từ 30%- 40%, cao nhất trong nhiều năm qua.
Làng hoa kiểng thị xã Sa Đéc có tổng cộng 343 ha, với 2.000 hộ sinh sống; trong đó có 1.000 hộ trồng hoa tết. Hiện các cơ quan chức năng ở địa phương đang tiếp tục thống kê những thiệt hại do nước lũ gây ra để có hướng xử lý; đồng thời vận động nhà vườn hoa kiểng nhanh chóng khôi phục sản xuất. “Chúng tôi quyết tâm cung ứng khoảng 2,5 triệu chậu hoa các loại (cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, hồng, vạn thọ, dạ yến thảo…) và hơn 10.000 cây mai lớn nhỏ cho thị trường tết năm 2012, chỉ giảm khoảng hơn 500.000 chậu so với năm trước”, nghệ nhân Trần Văn Thăng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc, cho biết. Cùng lúc, giới kinh doanh hoa kiểng ở miền Tây cũng dự báo, do ảnh hưởng lũ lớn, cộng với chi phí đầu tư tăng cao nên nhiều khả năng hoa kiểng tết năm 2012 sẽ cao hơn năm trước.
Trong khi đó, các nhà vườn vẫn mang tâm trạng vừa khôi phục sản xuất vừa… phập phồng, bởi nếu giá hoa kiểng không tăng hơn năm rồi thì họ cầm chắc lỗ vốn. Để giảm thiểu rủi ro cho người dân, UBND H.Chợ Lách đang xúc tiến xin kinh phí đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao bảo vệ vườn hoa kiểng. Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: “Nghề trồng hoa kiểng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, đồng thời tạo nên nét độc đáo cho địa phương, nhưng chưa được đầu tư tương xứng. Sắp tới, các địa phương cần phải quy hoạch lại và có sự đầu tư căn cơ hơn về đê bao, giống mới, hạ tầng giao thông, các dịch vụ liên quan…Phải kết hợp giữa sản xuất kinh doanh hoa kiểng với du lịch làng nghề ở địa phương để tăng nguồn thu cho bà con nông dân”.
An Lạc
Bình luận (0)