Phát động cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh

25/11/2023 20:21 GMT+7

Sáng 25.11, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM phát động cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1 năm 2023.

Cuộc thi thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh do Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chủ trì phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ là đơn vị đứng ra triển khai, phối hợp cùng với Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao tổ chức, tiếp nhận hồ sơ sản phẩm của các đơn vị dự thi.

Phát động cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh - Ảnh 1.

Cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh được tổ chức lần đầu tiên

Huỳnh Ngư

Cuộc thi này giúp thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam, tạo tiền đề cho phát triển nền tảng công nghệ internet, góp phần tham gia xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, bền vững, đưa Khu công nghệ cao là trung tâm giúp Việt Nam trở thành Trung tâm thiết kế vi mạch của thế giới.

Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)… Đây cũng là hạt nhân của công nghiệp điện tử, tạo ra vi mạch và linh kiện, sản xuất các sản phẩm từ phức tạp như siêu máy tính đến hàng điện tử dân dụng đơn giản, hạ giá thành và làm tăng chức năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa... Sự thành công của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là "giá đỡ" cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ngành vi mạch hiện có ba loại hình kinh doanh gồm phần mềm thiết kế, sản xuất và đóng gói, thiết kế vi mạch. Trong đó, thiết kế vi mạch là công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao nhất (khoảng 50%) và có doanh thu lớn nhất. Công đoạn lắp ráp, đóng gói chiếm giá trị thấp nhất, khoảng 6%. Theo đó, Việt Nam kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn lên tầm cao mới, chú trọng vào thiết kế vi mạch thay vì gia công như hiện tại.

Theo ban tổ chức, đối tượng tham gia cuộc thi sẽ là các sinh viên, học viên tại các trường ĐH, CĐ, học viện trên toàn quốc khi có những ý tưởng, dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng về thiết kế vi mạch. Thí sinh đăng ký dự thi theo đội, mỗi đội từ 3 - 5 thành viên. Các thí sinh sẽ trải qua 3 vòng chính. Cụ thể vòng sơ loại vào tháng 12.2023; vòng triển khai và đào tạo từ tháng 1 - 5.2024; Vòng chung kết và lễ tổng kết trao giải vào tháng 6.2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.