Đây là con số được Bộ LĐ-TB-XH công bố ngày 16.10 tại lễ tổng kết Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành may mặc năm 2015.
Chiến dịch được Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức, tiến hành tại 150 doanh nghiệp trong ngành may mặc ở 12 tỉnh, thành từ tháng 5 - 9.2015.
Qua thanh tra, các đoàn thanh tra đã phát hiện 1.786 sai phạm (trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp). Trong đó, các đoàn thanh tra đã lập biên bản xử phạt hành chính 19 doanh nghiệp vi phạm với số tiền 594 triệu đồng. Nội dung vi phạm nhiều nhất là huy động người lao động làm thêm quá số giờ quy định với tổng số 60 doanh nghiệp vi phạm.
Ngoài ra, nội dung về quy định nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, nghỉ hằng năm; thời gian làm việc cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; vấn đề tiền lương; dụng cụ bảo vệ cá nhân; đường và cửa thoát hiểm... cũng được kiểm tra và khắc phục kịp thời.
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, các sai phạm trong ngành dệt may đang diễn ra khá phức tạp. Khi VN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp muốn có nhiều bạn hàng, đơn hàng, xuất được sản phẩm thì phải thực hiện đúng quy định pháp luật, đặc biệt là công ước chống lao động cưỡng bức. Vì vậy, chiến dịch thanh tra không tập trung vào việc xử phạt, mà tập trung vào việc tư vấn cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật lao động khi VN gia nhập TPP.
Bình luận (0)