Phát hiện 300.000 thiên hà mới

Thu Thảo
Thu Thảo
19/02/2019 18:19 GMT+7

Bản đồ bầu trời đêm mới được công bố hôm nay 19.2 ghi nhận hàng trăm ngàn thiên hà chưa từng được biết đến trước đây.

Theo AFP, các thiên hà này được phát hiện bằng kính viễn vọng phát hiện được nhiều nguồn sáng mà các dụng cụ quang học không thể nhìn thấy. Nhóm nghiên cứu quốc tế đứng sau đợt khảo sát không gian cho biết khám phá của họ thực sự làm sáng tỏ một số điều bí ẩn nhất của vũ trụ, trong đó có yếu tố vật lý của lỗ đen và cách nhiều nhóm thiên hà phát triển.
“Đây là cửa sổ mới trên vũ trụ. Khi chúng tôi nhìn vào những tấm ảnh đầu tiên, chúng tôi tự hỏi đây là gì. Nó trông không giống như bất cứ thứ gì chúng tôi từng thấy”, nhà thiên văn học Cyril Tasse thuộc Đài Thiên văn Paris, cho biết.
Hơn 200 nhà thiên văn học từ 18 nước tham gia nghiên cứu. Họ sử dụng thiên văn học vô tuyến để quan sát một phần bầu trời trên bán cầu bắc, và phát hiện 300.000 nguồn ánh sáng chưa từng được nhìn thấy trước đây. Các nguồn ánh sáng được cho là những thiên hà xa xôi. Thiên văn học vô tuyến cho phép giới khoa học phát hiện bức xạ được tạo ra khi nhiều thiên thể khổng lồ tương tác.
Nhóm nghiên cứu sử dụng kính viễn vọng Dải Tần số Thấp - Low Frequency Array (LOFAR) ở Hà Lan để tìm dấu vết của bức xạ cổ đại, được tạo ra khi các thiên hà hợp nhất. Những dấu vết này có thể kéo dài hàng triệu năm ánh sáng song trước đây chưa được phát hiện.
Hình ảnh mô phỏng lỗ đen trong vũ trụ Ảnh: Sky & Telescope
“Với các quan sát vô tuyến, chúng ta có thể phát hiện bức xạ từ khoảng không mỏng manh tồn tại giữa các thiên hà. LOFAR cho phép chúng tôi phát hiện thêm nhiều nguồn này và hiểu những gì đang cung cấp năng lượng cho chúng”, chuyên gia Amanda Wilber thuộc Đại học Hamburg cho hay. Việc phát hiện nguồn sáng mới cũng giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về hành vi của một trong các hiện tượng bí ẩn nhất trong không gian.
Lỗ đen, nơi có lực hấp dẫn mạnh đến mức không vật chất nào có thể thoát khỏi chúng, phát ra bức xạ khi chúng nhấn chìm nhiều vật thể có khối lượng lớn, chẳng hạn như sao và tinh vân. Nhà thiên văn học Tasse nói rằng kỹ thuật quan sát mới cho phép các nhà thiên văn học so sánh lỗ đen theo thời gian, xem cách chúng hình thành và phát triển.
Kính thiên văn Hubble chụp được nhiều ảnh khiến giới khoa học tin rằng có hơn 100 tỉ thiên hà trong vũ trụ, dù nhiều trong số chúng quá già và xa để có thể được quan sát qua nhiều kỹ thuật phát hiện truyền thống. Bản đồ tạo ra từ quan sát của LOFAR chứa dữ liệu tương đương với 10 triệu đĩa DVD, song vẫn chỉ ghi nhận 2% của bầu trời. Một phần quan sát LOFAR đã được công bố trên tạp chí Astronomy and Astrophysics.
Kính thiên văn LOFAR được tạo từ mạng lưới ăng-ten radio rộng khắp châu Âu, trải dài trên bảy nước tạo thành đĩa vệ tinh có đường kính 1.300 km. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch tạo ra hình ảnh đạt độ phân giải cao của toàn bộ bầu trời phía bắc. Họ cho rằng có đến 15 triệu nguồn radio hiện chưa được khám phá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.