Trước đó hồi tháng 2, chính phủ Colombia thông báo sẽ bắt đầu trục vớt đồ vật bên trong xác tàu đắm ở địa điểm được giữ kín ngoài khơi bờ biển Caribê. Ước tính xác tàu San Jose mang theo kho báu nhiều tỉ USD.
AFP hôm 9.8 dẫn thông báo của các viện nghiên cứu chịu trách nhiệm thám hiểm xác tàu đắm rằng “Các kết quả của đợt thám hiểm mới đã phơi bày những chứng cứ khảo cổ học chưa từng có, cho phép mở rộng đáng kể hiểu biết của chúng tôi”.
Thông báo cho biết cuộc khảo sát đầu tiên bằng robot đã được thực hiện từ ngày 23.5 đến ngày 1.6 sau khi xác tàu được tìm thấy vào năm 2015. “Dù khu vực tập trung đồ vật khảo cổ đã được phát hiện năm 2022 tại khu vực tàu đắm, cuộc thám hiểm gần đây cho phép phân loại chi tiết những đồ vật này và phát hiện vị trí những đồ vật khác”.
Trong số các cổ vật mới được tìm thấy là neo tàu, cũng như một phần hàng hóa theo tàu như bình lọ, chai thủy tinh.
Trước đó, bốn nỗ lực quan sát của Hải quân Colombia với thiết bị công nghệ cao đã cho phép thẩm định tình trạng của xác tàu, cũng như sự hiện diện của một khẩu đại bác, đồ gốm sứ, đồ vật làm bằng vàng.
Tàu San Jose thuộc sở hữu của Hoàng gia Tây Ban Nha vào thời điểm bị Hải quân Anh đánh chìm gần Cartagena năm 1708. Chỉ một số ít trong thủy thủ đoàn hơn 600 người sống sót.
Chính phủ Colombia cho rằng cuộc thám hiểm robot đầu tiên nêu lên những câu hỏi về nguyên nhân chính xác khiến con tàu bị đắm.
Tài liệu của Anh cho biết tàu San Jose bị nổ từ bên trong, trong khi ghi chép của phía Tây Ban Nha đề cập một cuộc giao tranh.
Vào thời điểm bị chìm, con tàu đang trên đường từ Tân Thế giới quay về Tây Ban Nha và mang theo kho báu gồm các rương chất đầy ngọc lục bảo, đá quý, cùng khoảng 200 tấn đồng tiền vàng.
Tân Thế giới là một trong những tên gọi từng được sử dụng cho phần lớn Tây bán cầu, đặc biệt là châu Mỹ sau khi lục địa này được phát hiện vào thế kỷ 16-17.
Trước khi Colombia tuyên bố phát hiện xác tàu đắm vào năm 2015, San Jose từ lâu là mục tiêu tìm kiếm những tổ chức săn lùng kho báu. Tây Ban Nha từng tuyên bố sở hữu con tàu và những gì nó mang theo, nhưng chính phủ Colombia khẳng định muốn trục vớt xác tàu với lý do khoa học và văn hóa.
Bên cạnh đó, công ty Sea Search Armada của Mỹ cũng đang tranh chấp xác tàu với Colombia. Công ty Mỹ khẳng định họ là bên đầu tiên tìm được xác tàu cách đây hơn 40 năm và đang kiện chính phủ Colombia ở Tòa trọng tài thường trực thuộc Liên Hiệp Quốc ở The Hague (Hà Lan), đòi bồi thường 10 tỉ USD.
Bình luận (0)