Phát hiện công ty thuốc thú y sản xuất thuốc chưa được cấp phép lưu hành

13/07/2018 18:21 GMT+7

Dù chưa được cấp phép lưu hành nhưng Công ty cổ phần dược và vật tư thú y Đông Á đã sản xuất trái phép nhiều loại thức ăn bổ sung và thuốc thú y cung cấp ra thị trường.

Trao đổi với Thanh Niên chiều nay, 13.7, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN - PTNT, cho biết chiều 12.7, Thanh tra Bộ NN - PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49) Bộ Công an đã thanh tra đột xuất và phát hiện tại xưởng sản xuất Công ty cổ phần dược và vật tư thú y Đông Á (địa chỉ tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) có nhiều sai phạm trong sản xuất kinh doanh.
Ở thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện 11 sản phẩm thức ăn bổ sung đang trong thời gian đăng ký được phép lưu hành tại Việt Nam, nhưng đã được doanh nghiệp này cho sản xuất. Đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi như: đỏ tích kích mào (1.057 kg); canxi khoáng (230 kg); cúm gia cầm (238 kg) chưa được doanh nghiệp đăng ký lưu hành.
thuoc-thu-y
Không đủ điều kiện sản xuất nhưng doanh nghiệp vẫn tự ý sản xuất nhiều loại thuốc đưa ra thị trường Ảnh Văn Tiến
Đối với nhóm sản phẩm thuốc và kinh doanh thuốc thú y, doanh nghiệp này cũng bị phát hiện không có giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt thuốc thú y (GMP) của cơ quan chức năng, không đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y, nhưng đã sản xuất nhiều loại thuốc thú y có tên: SULFA-TRI (loại 1 kg/gói, với số lượng sản xuất là 91 kg); Iodin (loại 1 lít/lọ, với số lượng sản xuất là 500 lít); para C30% với số lượng sản xuất là 100 kg; doxy 50 với số lượng sản xuất là 60 kg; long đờm với số lượng sản xuất 1.598 kg.
Đáng chú ý, công ty này không có phòng kiểm nghiệm và cũng không hợp đồng kiểm nghiệm với các phòng kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng nguyên liệu và thành phẩm.
Đoàn thanh tra đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong các nhóm sản phẩm vi phạm để chờ xử lý. 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này phải dừng sản xuất thuốc thú y và những sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được phép lưu hành tại Việt Nam chờ xử lý, tiếp tục làm việc với C49 để xác định mức độ vi phạm.
Ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, qua cuộc kiểm tra này, lực lượng thanh tra phát hiện thêm một thủ đoạn mới của các doanh nghiệp là dù không đạt chuẩn, không có chứng nhận GMP nhưng đã ký hợp đồng liên kết với đơn vị có GPM. Sau đó, họ chỉ lấy một lượng hàng nhỏ từ doanh nghiệp GMP rồi đưa về cơ sở để trà trộn, tự in nhãn mác bán ra thị trường để hưởng lợi nhuận cao hơn, rất khó để kiểm soát sản lượng sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.