Hành tinh có tên TIC 241249530 b và cách trái đất khoảng 998 năm ánh sáng. Hành tinh này lần đầu tiên được vệ tinh TESS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện tháng 1.2020 khi nó đi ngang bề mặt sao trung tâm.
Khoảng cách giữa hành tinh và sao trung tâm TIC 241249530 chỉ bằng 12% khoảng cách mặt trời-trái đất. Vì thế hành tinh chỉ mất khoảng 15,2 ngày trái đất để hoàn tất quỹ đạo quanh sao trung tâm.
Tuy nhiên, đó không phải là điều đáng lưu ý duy nhất của quỹ đạo hành tinh trên.
Đa số các hành tinh đều không có quỹ đạo hình tròn hoàn hảo. Thay vào đó, quỹ đạo các hành tinh chủ yếu là hình ê líp, mà theo các nhà thiên văn học gọi là "lệch tâm".
TIC 241249530 b có quỹ đạo bị kéo giãn và dẹt nhất từng được giới chuyên gia quan sát. Bên cạnh đó, hành tinh kích thước cỡ sao Mộc đang xoay quanh sao trung tâm trên quỹ đạo tụt lại đằng sau so với vòng xoay của sao.
Những gì quan sát được cho phép các nhà thiên văn học xác định TIC 241249530 b vẫn chưa phải là một sao Mộc nóng.
Đội ngũ do nhà nghiên cứu Arvind Gupta của NOIRLab (Mỹ) dựa vào kính viễn vọng của Đài thiên văn Quốc gia trên núi Kitt (bang Arizona, Mỹ) để quan sát TIC 241249530 b và phát hiện hành tinh đang trong giai đoạn đầu chuyển thành sao Mộc nóng, nên gọi đây là hành tinh "biến hình".
Việc hiểu được cơ chế "biến hình" đang xảy ra cho hành tinh trên có thể giúp giới khoa học xây dựng hình ảnh rõ nét hơn về cách thức những thế giới kỳ lạ như TIC 241249530 b bắt nguồn từ đâu, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
Bình luận (0)