Phát hiện hóa thạch của giống người mới

09/08/2012 10:06 GMT+7

(TNO) Các hóa thạch được tìm thấy ở phía bắc Kenya củng cố cho nhận định về giống người mới sống cách đây hai triệu năm, theo BBC ngày 9.8.

Trong suốt một thời gian dài, các nhà khoa học tin rằng tổ tiên loài người chỉ có một giống duy nhất, đó là Homo erectus (thuộc chi Homo) xuất hiện cách đây 2,5 triệu năm.

Tuy nhiên, 50 năm trước, các nhà khoa học đã phát hiện ra một giống người mới tại Tanzania và họ đặt tên là Homo habilis. Giống người mới này có não nhỏ hơn và có bộ xương giống khỉ nhiều hơn.


Sọ người hóa thạch được cho là của giống người mới Homo rudolfensis, có mặt rất phẳng - Ảnh: Nature

Và giờ đây, một nghiên cứu được tạp chí khoa học uy tín Nature (Anh) công bố ngày 9.8, với hóa thạch được tìm thấy tại Kenya vào khoảng thời gian từ 2007 đến 2009, các nhà nhân loại học phát hiện có ít nhất một giống khác nữa cũng thuộc chi Homo sống cùng thời với hai giống Homo erectusHomo habilis.

Theo nhà khoa học Meave Leakey, thuộc Viện nghiên cứu Turkana Basin (Kenya), một sọ người số hiệu KNM-ER 1470 tìm thấy tại Kenya vào năm 1972, đã là trung tâm của những cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học về số lượng giống người sống cách đây gần 2 triệu năm.

Sọ người này có bộ não lớn khiến nhiều nhà khoa học nhận định đây là một giống mới và đặt tên là Homo rudolfensis.

Tuy nhiên, hộp sọ được cho là của giống mới Homo rudolfensis lại không có hàm dưới và chỉ có một cái nên các nhà khoa học không dám khẳng định chắc chắn rằng liệu sọ người này có phải là của một giống người mới hay chỉ là một cá thể đặc biệt.

Giờ đây, sọ người hóa thạch mới tại Kenya còn nguyên vùng xương mặt, gồm cả hàm dưới, cùng đặc điểm với sọ KNM-ER 1470 và được tìm thấy tại gần nơi phát hiện ra KNM-ER 1470. Do đó, khám phá mới củng cố cho nhận định về giống người Homo rudolfensis.

“Sọ người hóa thạch tìm thấy tại phía Bắc Kenya có mặt rất phẳng. Bạn có thể kẻ một đường thẳng từ hố mắt đến răng cửa của hộp sọ”, ông Fred Spoor, nhà khoa học tại viện nghiên cứu nhân loại học Max Planck (Đức) nói với tạp chí LiveScience (Mỹ).

Ông Spoor cũng cho biết răng cửa của giống người mới rất nhỏ so với các giống khác, còn răng hàm thì rất lớn, cho thấy “giống loài này nhiều khả năng chỉ ăn rau củ cứng”.

Hoàng Uy

>> Phát hiện hóa thạch sọ người 100.000 năm tuổi
>> Hàu hóa thạch "ngậm" viên ngọc khổng lồ
>> Hóa thạch tuyệt đẹp về khủng long sóc
>> Pha "cụp lạc" hóa thạch rùa 47 triệu năm
>> Phát hiện cây hóa thạch hàng ngàn năm tuổi
>> Phát hiện hóa thạch có thể viết lại lịch sử khủng long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.