Phát hiện hơn 5,7 triệu thuê bao di động sở hữu từ 4 - 10 SIM

Thu Hằng
Thu Hằng
13/05/2024 20:20 GMT+7

Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) đã rà soát thuê các bao di động sở hữu từ 4 - 9 SIM và phát hiện ra khoảng 5,75 triệu thuê bao.

Thông tin về chuẩn hóa thuê bao, xử lý SIM "rác" được ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho hay tại họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT ngày 13.5.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông

THU HẰNG

Theo yêu cầu của Bộ TT-TT, từ ngày 15.4, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm, doanh nghiệp có thể đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới; đồng thời bộ này sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, đến thời điểm này, theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông di động, qua rà soát, tất cả các SIM tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp đều tuân thủ theo đúng quy định (không có thông tin thuê bao), muốn phát triển mới phải đăng ký đầy đủ thông tin. Cục Viễn thông đã rà soát, phát hiện ra một số lượng tương đối lớn, khoảng 5,75 triệu thuê bao đứng tên từ 4 - 9 SIM có chung 1 giấy tờ. Cục Viễn thông sẽ rà soát thêm để chặn thuê bao có dấu hiệu thông tin không chính xác.

Liên quan đến các cuộc gọi "rác", cuộc gọi phát tán tin nhắn "rác", hiện nay, Cục Viễn thông cùng các nhà mạng triển khai việc cung cấp tên định danh (brandname) cho cuộc gọi. Dịch vụ này đã thử nghiệm với Bộ Công an và một số đơn vị. Cục Viễn thông kỳ vọng biện pháp định danh sẽ giúp người dân khi nhận cuộc gọi, tin nhắn biết được đây là thông tin đảm bảo cơ quan xác định.

"Để biết mình đang đứng tên sở hữu bao nhiêu SIM, người dùng di động có thể nhắn tin tới đầu số 1414, kèm theo số căn cước công dân, từ đó có hoạt động chuẩn hóa hoặc đăng ký lại thông tin thuê bao", ông Nguyễn Phong Nhã nói.

Về lộ trình tắt sóng 2G, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, trong bối cảnh 5G được cấp phép, các doanh nghiệp cần phải dừng các công nghệ không còn phù hợp nữa, trong khi thuê bao ngày càng ít đi, việc tắt sóng 2G là cần thiết. 

Các doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch của mình đảm bảo tháng 9 tới tắt sóng 2G. Bộ TT-TT sẽ cùng các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng, cũng như xây dựng gói cước, chương trình khuyến mại để hỗ trợ người sử dụng, nhất là những người dùng ở vùng sâu, vùng xa.

Thông tin thêm về việc thương mại hóa dịch vụ 5G, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, từ ngày 11.4, Bộ TT-TT chính thức cấp phép sử dụng băng tần 5G và cấp phép cung cấp dịch vụ 5G cho Viettel và VNPT. Hiện, 2 nhà mạng đang thực hiện các thủ tục đấu thầu, đầu tư thiết bị để triển khai mạng 5G thương mại. 

Việc phủ sóng 5G sẽ được tập trung triển khai tại vị trí trung tâm các quận, huyện; các khu công nghiệp; nhà máy thông minh tùy thuộc theo nhu cầu của thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.