Phát hiện liên tiếp 2 trường hợp rận mu tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM

Từ đầu tháng 8 đến nay, Khoa Khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh có rận mu ký sinh.

Trường hợp thứ nhất là cháu L.V.P (4 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM), được mẹ đưa đến Khoa Khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng với triệu chứng 2 mắt ngứa, lông mi kết dính, có côn trùng bám nhiều ở lông mi… Bé được bác sĩ khám và chỉ định xét nghiệm, kết quả tìm thấy trứng và rận mu trưởng thành trên mí mắt.

Phát hiện liên tiếp 2 trường hợp rận mu tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM- Ảnh 1.

Rận mu ký sinh trên mi mắt trẻ nhỏ khám tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM

Ảnh: BSCC

Trường hợp thứ 2 là anh L.V.M (quê Thanh Hóa, đang công tác tại TP.HCM) đến khám bệnh trong tình trạng ngứa vùng sinh dục, bệnh nhân gãi và có bắt được côn trùng ở vùng sinh dục. Sau khi thăm khám lâm sàng, xét nghiệm, kết quả dưới kính hiển vi phát hiện rận mu trưởng thành bụng chứa nhiều máu.

Con đường lây lan

Ở người lớn, rận mu chủ yếu lây qua đường tình dục, còn với trẻ nhỏ, nguyên nhân nhiễm phải rận, trứng rận thường do yếu tố vệ sinh trong gia đình không đảm bảo. Có thể, người lớn có rận, trứng rận mu rồi làm vương vãi ra giường, chăn gối, rồi từ chăn, gối, giường chúng lây sang trẻ nhỏ.

Triệu chứng đặc trưng

Rận mu hay còn gọi rận cua, là một loài rận thuộc côn trùng hút máu, không có cánh và sinh sản ở vùng lông mu, cũng có thể ký sinh trên mí mắt. Khi ký sinh trên cơ thể con người, rận mu là tác nhân gây ra bệnh rận mu gây triệu chứng ngứa ở vùng sinh dục. Rận mu không truyền mầm bệnh nhưng có thể gây nhiễm trùng thứ cấp do vết gãi làm trầy xước da.

Rận mu ít di chuyển, có thể bò khoảng 10 cm/đêm, thường nằm im ở vị trí ký sinh và hút máu nhiều giờ hoặc nhiều ngày tại một chỗ mà không cần phải lấy phần miệng ra khỏi da, tạo nên một nốt sần nhô cao, nước bọt của chúng gây ra phản ứng dị ứng gây ra ngứa. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm chúng sẽ phát triển thành bầy đàn - lúc này chúng hút máu người với số lượng lớn sẽ gây tình trạng thiếu máu, thiếu sắt…

Phát hiện liên tiếp 2 trường hợp rận mu tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM- Ảnh 2.

Rận mu hút no máu dưới kính hiển vi phát hiện tại Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM

Ảnh: BSCC

Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh này là ngứa trầm trọng. Ngứa gãi nhiều làm viêm và bội nhiễm vi trùng, tạo thành mủ, nặng có thể gây loét da viêm sâu để lại sẹo chai cứng. Nếu ký sinh ở lông mi có thể gây viêm kết mạc.

Cách phòng tránh

Rận mu rất dễ lây lan, nên việc phòng tránh rất khó khăn. Có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm bằng cách:

  • Phát hiện sớm và điều trị cho người có côn trùng rận mu ký sinh để hạn chế lây lan sang người khác
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là những nơi có nhiều lông như bộ phận sinh dục.
  • Nên quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng.
  • Giặt thường xuyên quần áo, chăn màn, khăn tắm sạch sẽ, phơi đồ nơi có ánh nắng.
  • Tổng vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để loại bỏ triệt để mầm bệnh khiến chúng không thể lây lan hoặc tái phát.
  • Cần tham khảo ý kiến chuyên gia về côn trùng học để được tư vấn xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.