Nghiên cứu cho thấy, không nhất thiết lượng đường ăn vào mà chính loại đường tiêu thụ mới có thể dẫn đến bệnh tim, theo chuyên trang y tế của Mỹ WebMD.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh), tiêu thụ thực phẩm có nhiều "đường tự do" làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Đồng thời, tiêu thụ càng nhiều loại đường này thì nguy cơ càng tăng.
Đường tự do là gì?
Đường tự do được định nghĩa là tất cả đường được nhà sản xuất, đầu bếp hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm, cộng với đường tự nhiên có trong mật ong, xirô và nước ép trái cây không đường. Đường trong trái cây nguyên quả và rau củ không phải là đường tự do, theo WebMD.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Rebecca Kelly, nhà nghiên cứu về Sức khỏe Dân số Oxford, cho biết trong một tuyên bố: Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh tầm quan trọng của việc xem xét loại và nguồn đường tiêu thụ khi đánh giá mối liên hệ giữa đường và sức khỏe tim mạch.
Thay thế đường tự do bằng đường không tự do, như đường tự nhiên có trong trái cây và rau củ, kết hợp với lượng chất xơ cao hơn có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tim mạch.
Nghiên cứu đã phát hiện ra điều gì?
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu của 110.497 người ở Anh, ở độ tuổi từ 37 đến 73, để xác định chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ trong hơn 9 năm.
Kết quả cho thấy những người ăn khoảng 95 gram đường tự do mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim cao nhất, nhà nghiên cứu Cody Watling, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Oxford, cho hay (lượng này tương đương với hơn 7,5 muỗng canh; cần biết rằng 1 lon nước ngọt trung bình chứa 35 - 39 gram đường).
Ở giai đoạn trước của nghiên cứu này, các tác giả cũng đã phát hiện ra rằng ăn càng nhiều chất xơ, nguy cơ mắc bệnh tim càng thấp. Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, theo WebMD.
Bình luận (0)