Thiên thạch ALH84001 |
nasa |
Năm 1996, một đội ngũ do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dẫn đầu công bố báo cáo gây rúng động: thiên thạch ALH 84001 phát hiện tại Nam Cực chứa những hợp chất sinh học nhiều khả năng đến từ sự sống cổ đại trên sao Hỏa.
ALH 84001, trọng lượng 2 kg, được tìm thấy ở khu vực gọi là Allan Hills thuộc Nam Cực vào năm 1984. Kết quả nghiên cứu phát hiện nó là tảng đá xuất phát từ một vụ va chạm trên bề mặt hành tinh đỏ khoảng 17 triệu năm trước. Cách đây 13.000 năm, nó lao xuống trái đất và yên vị tại Nam Cực cho đến khi được con người phát hiện.
Những mẩu vật lấy từ thiên thạch cho thấy các hợp chất giàu carbon, dẫn đến kết luận về sự sống trên sao Hỏa vào năm 1996 của đội ngũ NASA. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu mới do Viện Carnegie về Khoa học (trụ sở tại Washington D.C) thực hiện cho thấy những hợp chất này là sản phẩm của quá trình nước chảy qua thiên thạch trong một thời gian dài khi tảng đá còn nằm trên bề mặt sao Hỏa, theo trưởng nhóm Andrew Steele.
Phát hiện sao Hỏa có mức oxy lớn, "thách thức quan niệm hiện hữu" |
Để rút ra kết luận trên, chuyên gia Steele cho hay đội ngũ của ông, bao gồm các nhà khoa học NASA, Đức và Anh, đã nhờ vào những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ hiện tại. Báo cáo đã được đăng tải trên chuyên san Science.
Trưởng nhóm Steele cho hay phát hiện mới mang đến thông tin vô cùng thú vị về sao Hỏa. Theo đó, nhóm của ông đã ghi nhận khám phá cho phép con người hiểu thêm về cách thức sự sống có thể hình thành trên hành tinh đỏ.
Đồng thời, giới chuyên gia có thể dựa vào đó để hoàn thiện các kỹ thuật cần thiết để tìm kiếm sự sống ở những nơi khác, bao gồm mặt trăng Enceladus của sao Thổ và Europa của sao Mộc.
Cách duy nhất để chứng tỏ sao Hỏa từng hoặc vẫn còn có sự sống dưới dạng vi khuẩn là nghiên cứu mẫu vật. Tàu thám hiểm Perseverance của NASA đã thu thập 6 mẫu và sẽ chuyển về trái đất trong vòng 1 thập niên. Phải cần đến gần 40 mẫu nếu muốn đưa ra câu trả lời chính xác.
Bình luận (0)