Phát hiện người lành mang trùng tại ổ dịch bạch hầu ở Thanh Hóa

Liên Châu
Liên Châu
13/08/2024 04:09 GMT+7

Trong 3 ca mắc bạch hầu tại H.Mường Lát (Thanh Hóa) có bệnh nhân nữ 17 tuổi mang thai 8 tháng.

Theo Bộ Y tế, sau khi ghi nhận 3 ca mắc bạch hầu và nhiều ca tiếp xúc gần tại H.Mường Lát, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố dịch bệnh bạch hầu thuộc huyện này. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch là TT.Mường Lát, H.Mường Lát. Mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Bệnh nhân không rõ tiền sử tiêm chủng

Theo báo cáo giám sát ổ dịch bạch hầu, ca bệnh bạch hầu đầu tiên ghi nhận tại H.Mường Lát (Thanh Hóa) là nữ, 17 tuổi, dân tộc Dao, đang mang thai 8 tháng, có địa chỉ tại TT.Mường Lát.

Phát hiện người lành mang trùng tại ổ dịch bạch hầu ở Thanh Hóa- Ảnh 1.

Các địa phương rà soát, triển khai tiêm bù vắc xin cho trẻ trong tiêm chủng mở rộng, ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm lây lan

ẢNH: LIÊN CHÂU

Bệnh nhân (BN) khởi phát bệnh ngày 1.8 với triệu chứng đau rát họng, tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Ngày 4.8, BN đến phòng khám tư nhân sản phụ khoa tại TT.Mường Lát và được tư vấn đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) H.Mường Lát khám với triệu chứng sốt nhẹ, đau rát họng, nuốt vướng, niêm mạc họng đỏ xung huyết, amidan 2 bên sưng nề đỏ… Chiều 4.8, BN được chuyển đến BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, kết quả xét nghiệm nuôi cấy và định danh vi khuẩn cho kết quả dương tính với bạch hầu. Ngày 5.8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đồng thời BN được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) điều trị.

BN không rõ tiền sử tiêm chủng, hiện có sức khỏe ổn định. Trước khi có triệu chứng bệnh, BN không đi khỏi nơi cư trú, không tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự. Gia đình không có ai khác mắc bệnh.

Qua điều tra ổ dịch tại H.Mường Lát, ngoài BN nữ trên, có 2 mẫu dương tính với bạch hầu (74 tuổi và 10 tuổi) nhưng không có triệu chứng. Hai ca bệnh này được cách ly y tế tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa và BV Nhi tỉnh Thanh Hóa.

Vi khuẩn sợ nắng

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các chuyên gia của Viện đã phối hợp và hỗ trợ CDC Thanh Hóa triển khai các hoạt động phòng chống dịch, như: tổ chức cách ly tại nhà các trường hợp tiếp xúc gần; hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch; tổ chức uống kháng sinh điều trị dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ trong gia đình BN và các hộ xung quanh, những người tiếp xúc gần BN; lập danh sách các trẻ dưới 1 tuổi và trẻ 18 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu để tiêm bổ sung trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo Bộ Y tế, với bệnh bạch hầu, nguồn gây bệnh là người nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Vi khuẩn bạch hầu chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh; lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Các triệu chứng bệnh bạch hầu gồm: đau họng, khó chịu, ho, khàn giọng, nuốt đau, chảy nước mũi có máu và chảy nước bọt, sốt nhẹ hoặc không sốt.

Đặc trưng tổn thương do bạch hầu là có màng màu trắng xám, ban đầu phủ amidan, sau đó nhanh chóng lan đến lưỡi gà, vòm miệng và thành sau của họng. Trong trường hợp nghiêm trọng, tổn thương gây cản trở đường thở, suy hô hấp. Khi độc tố bạch hầu lan truyền vào máu, sẽ dẫn đến tổn thương tim, thận và thần kinh khiến BN có thể tử vong.

Cục Y tế dự phòng cho hay vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 58 độ C, vi khuẩn sống được 10 phút; ở cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. Xử lý môi trường nơi có ổ dịch bằng cách: sát trùng tẩy uế tất cả đồ vật có liên quan tới BN. Bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo phải được luộc sôi; sách, vở, đồ chơi… phải được phơi nắng.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng đề nghị người dân đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin có chứa thành phần bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở.

Người tiếp xúc gần ca bệnh, người sống tại ổ dịch cần uống kháng sinh dự phòng theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi có dấu hiệu mắc hoặc nghi mắc bạch hầu, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.