Theo dự thảo thông tư, có 818 chất thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh TPBVSK.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định của pháp luật, sử dụng chất có hại tới sức khỏe hoặc có thể nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Qua kiểm tra, giám sát, đã phát hiện rất nhiều TPBVSK có chứa các chất cường dương, chất tăng chuyển hóa mỡ, chất kích thích ăn ngon, chất tạo nạc, corticoid trong các sản phẩm hỗ trợ xương khớp, chất tăng chuyển hóa đường...
Tại điều 317 luật Hình sự quy định tội phạm vi phạm về ATTP, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về ATTP, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm: sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm.
Tuy nhiên, luật Hình sự và các văn bản quy định của pháp luật hiện nay chưa có danh mục cụ thể chất cấm sử dụng trong thực phẩm nói chung hoặc TPBVSK nói riêng, do đó khi phát hiện rất khó xử lý. Nhưng nếu quá trình quản lý phát hiện được và chứng minh là chất đó có độc thì sẽ đưa vào danh mục quản lý để có cơ sở xử lý.
Sắp tới, ngành y tế cũng sẽ có thông tư sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Bình luận (0)